Bộ Công Thương cho biết, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhằm khẳng định vai trò quan trọng, giữ vững vị thế và uy tín của ngành hàng gạo Việt Nam trên thế giới.
Tận dụng FTA, tăng thị phần xuất khẩu
Theo ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh, với cộng đồng hơn 5,5 triệu người gốc Á, nhu cầu tiêu dùng gạo tại Anh rất lớn trong khi quốc gia này hoàn toàn không trồng lúa, toàn bộ nhu cầu tiêu dùng đều phải nhập khẩu. Năm 2021, Anh nhập gần 652.000 tấn gạo, trị giá gần 575 triệu USD. Năm 2022, nhập khẩu gạo tăng 4,1% lên hơn 678.000 tấn, trong khi giá trị nhập khẩu tăng 7% lên hơn 603 triệu USD.
Vương quốc Anh đã nhập khẩu 3.399 tấn gạo từ Việt Nam năm 2022, tăng 24,5% so năm 2021, giá trị xuất khẩu đạt hơn 3,7 triệu USD, tăng 34% so năm 2021. Việt Nam hiện là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 14 vào Anh, tuy nhiên thị phần khiêm tốn (0,6%). Trong số các nước Đông Nam Á xuất khẩu gạo nhiều sang Anh năm 2022, Việt Nam có đơn giá bình quân cao nhất (1.093 USD/tấn), trong khi đơn giá bình quân gạo Thái Lan, Campuchia và Myanmar lần lượt là 916, 915 và 435 USD/tấn.
Trong khi đó, Ấn Độ được biết đến là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất tại thị trường Anh chiếm tới gần 27% tổng lượng gạo nhập khẩu của nước này. Theo đó, việc đột ngột dừng xuất khẩu sẽ tạo ra thiếu hụt nguồn cung khoảng 75.000 tấn gạo tại Anh trong nửa cuối năm 2023. Cho nên, việc Ấn Độ ngừng xuất khẩu sẽ khiến các nhà nhập khẩu gạo của Anh sẽ chuyển sang mua gạo Việt Nam và Thái Lan. Đây là thời cơ để Việt Nam vươn lên vị trí cao hơn trong danh sách bạn hàng của các công ty nhập khẩu gạo của Anh.
“Nếu tích cực tiếp thị một cách chuyên nghiệp, bao gồm việc quảng bá trên các phương tiện truyền thông sở tại bằng tiếng Anh, các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam chắc chắn sẽ tăng thị phần tại Anh, trong đó có phân khúc thị trường là các nhà hàng phục vụ khách du lịch châu Á, vốn chiếm một lượng không nhỏ trong tổng số hàng chục triệu khách du lịch đến Anh mỗi năm”, ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh cho hay.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Cảnh Cường lưu ý, trong bối cảnh đứt gãy nguồn cung và gạo Việt Nam với chất lượng tốt và lợi thế cạnh tranh nhờ Hiệp định UKVFTA, các nhà xuất khẩu cần tận dụng cơ hội "vàng" để yêu cầu các nhà phân phối gạo tại Anh sử dụng thương hiệu gạo Việt Nam, thay vì thương hiệu của nhà phân phối, giúp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng Anh về gạo Việt Nam.
Mới đây, Bộ Công Thương cũng mới ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT ngày 15/8/2023 về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước trong giai đoạn hiện nay.
Đối với Cục Xuất nhập khẩu: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan để khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, trình Chính phủ trong Quý III năm 2023 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 24/CT-TTg và của Lãnh đạo Chính phủ tại Văn bản số 491/VPCP-KTTH ngày 31/01/2023.
Chủ trì, phối hợp với đơn vị chức năng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các Vụ thị trường ngoài nước, Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ theo dõi sát diễn biến thị trường gạo thế giới; phối hợp theo dõi tình hình sản xuất lúa gạo, diễn biến cung cầu, giá cả thị trường thóc, gạo nội địa; tham mưu, đề xuất các giải pháp phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo trong tình hình mới.
Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị, cơ quan chức năng liên quan thuộc Bộ và Hiệp hội Lương thực Việt Nam triển khai kiểm tra thi hành pháp luật về kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.
Chủ trì phối hợp với các Vụ thị trường nước ngoài tổng hợp thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài về tình hình thị trường, thương mại gạo thế giới, động thái cơ chế chính sách của các nước sản xuất, xuất khẩu gạo, để báo cáo Lãnh đạo Bộ và thông tin đến các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để chủ động điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo hiệu quả.
Chủ trì thực hiện các công tác triển khai Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 583/QĐ-TTg ngày 26/5/2023.
Chủ trì, phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, các Vụ Thị trường ngoài nước, Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ và Hiệp hội Lương thực Việt Nam tích cực triển khai công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm gạo để củng cố, mở rộng thị trường.