Singapore soán ngôi trung tâm tài chính hàng đầu châu Á của Hong Kong

PV| 25/09/2022 12:00

Trong bảng xếp hạng chỉ số Trung tâm Tài chính Toàn cầu (GFCI) vừa qua, Singapore đã vượt qua Hong Kong và trở thành trung tâm tài chính hàng đầu châu Á và xếp thứ 3 trên thế giới. Hong Kong đã rơi xuống vị trí thứ 4, sau Singapore, New York và London.

Chỉ số Trung tâm Tài chính Toàn cầu được tổ chức nghiên cứu Z/Yen Partners và Viện Phát triển Trung Quốc cùng thực hiện. Chỉ số này xếp hạng 119 trung tâm tài chính dựa trên hơn 66.000 văn bản đánh giá của 11.038 chuyên gia tài chính và cơ sở dữ liệu định lượng qua câu hỏi trực tuyến. Trong danh sách xếp hạng năm nay, Khu Hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đã để mất ngôi vị trung tâm tài chính hàng đầu châu Á vào tay Singapore. 

Ảnh minh hoạ 

Cụ thể, Singapore tăng ba bậc, lên vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng, Hong Kong tụt xuống vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng trung tâm tài chính thế giới, sau Singapore, New York (Mỹ) và London (Anh). Đồng thời, San Francisco (Mỹ) cũng tăng 2 bậc để lọt vào top 5 trong Chỉ số các trung tâm tài chính toàn cầu. 

Trong danh sách này, chỉ New York và London duy trì vị trí thứ nhất và thứ nhì. Nguyên nhân cho sự sụt giảm này là bởi việc Hong Kong tuân thủ nghiêm ngặt chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc trong suốt đại dịch khiến nền kinh tế của đặc khu này suy yếu. 

Theo đó, Hong Kong vẫn yêu cầu cách ly 3 ngày tại khách sạn với tất cả các du khách quốc tế đến đặc khu, trong khi biên giới với Trung Quốc đại lục hầu như vẫn đóng cửa. Hiện tượng chảy máu chất xám tại Hong Kong khi các trung tâm kinh doanh khác mở cửa trở lại càng làm làm trầm trọng thêm tình trạng suy yếu trên. 

Ngược lại, Singapore đã kiểm soát được dịch Covid-19 vào đầu năm nay và đã mở cửa trở lại mà không cần áp dụng các lệnh hạn chế. Loạt sự kiện đáng chú ý tại đây thời gian tới bao gồm Hội nghị cấp cao châu Á của Viện Milken, hội nghị CEO toàn cầu của Forbes và Grand Prix Singapore,… sẽ góp phần giúp Singapore nâng cao vị thế của họ như một điểm đến du lịch. Trong năm 2022, nước này dự kiến thu hút khoảng 4 triệu lượt du khách. 

Singapore (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Trong bảng xếp hạng, 20 trung tâm tài chính hàng đầu thế giới năm 2022 bao gồm: New York; London; Singapore ; Hong Kong; San Francisco; Thượng Hải; Los Angeles; Bắc Kinh; Thâm Quyến; Paris; Seoul; Chicago; Sydney; Boston,; Washington DC; Tokyo; Dubai; Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất; Frankfurt; Amsterdam; Geneva. Các thành phố Thượng Hải, Bắc Kinh và Thâm Quyến của Trung Quốc đều duy trì vị trí trong top 10 của Chỉ số các trung tâm tài chính toàn cầu. 

Một số điểm nổi bật trong bảng xếp hạng trung tâm tài chính toàn cầu lần này là: Paris (Pháp) trở lại top 10, trong khi Tokyo (Nhật Bản) tụt xuống vị trí thứ 16; Sydney (Australia) tăng 10 bậc lên vị trí thứ 13; Dubai và Abu Dhabi (UAE) dẫn đầu ở Trung Đông khi lần lượt xếp ở vị trí thứ 17 và 32 trong bảng xếp hạng toàn cầu.  

Các trung tâm tài chính của Nga chịu ảnh hưởng của xung đột tại Ukraine, trong đó Mátxcơva giảm 22 bậc xuống vị trí thứ 73 và St Petersburg giảm 17 bậc xuống vị trí 114 trong bảng xếp hạng Chỉ số các trung tâm tài chính toàn cầu. Nằm cuối danh sách là Barbados và 2 thành phố của Trung Quốc là Tây An và Vũ Hán. 

Hong Kong đang cố gắng để phục hồi vai trò của mình để trở về làm trung tâm tài chính toàn cầu trong bối cảnh phần còn lại của thế giới đang dần mở cửa trở lại. Vào tháng 11, một Hội nghị thượng đỉnh của các chủ ngân hàng trên toàn cầu đã được tổ chức nhằm khôi phục lại lòng tin với Hong Kong đã nhận được sự cam kết tham gia từ 20 công ty hàng đầu. 

Tuy nhiên, với những thông tin chưa chắc chắn xoay quanh việc nới lỏng các quy định phòng ngừa Covid-19, việc khôi phục lại của Hong Kong vẫn chịu nhiều ảnh hưởng. Phản hồi về công bố mới nhất của GFCI, chính quyền Hong Kong cho biết họ chọn tập trung vào các ưu điểm của đặc khu mà không nói về các biện pháp kiểm soát dịch bệnh đang áp dụng. Giới chức Hong Kong cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục lắng nghe các quan điểm và mạnh dạn trong việc thực hiện các cải cách nhằm củng cố và tăng cường thị trường vốn của họ.

GFCI được xuất bản hai lần mỗi năm kể từ năm 2015 và được trích dẫn rộng rãi như một nguồn hàng đầu để xếp hạng các trung tâm tài chính. Bảng xếp hạng tổng hợp các chỉ số từ năm lĩnh vực chính: môi trường kinh doanh, phát triển khu vực tài chính, cơ sở hạ tầng, vốn con người, danh tiếng và các yếu tố chung.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Singapore soán ngôi trung tâm tài chính hàng đầu châu Á của Hong Kong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO