Nhu cầu quản lý tài sản tại Việt Nam tăng mạnh

PV| 05/11/2022 07:00

Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Allied Market Research, thị trường quản lý tài sản Châu Á - Thái Bình Dương sẽ đạt 811,5 tỷ USD vào năm 2030. Trong đó, Việt Nam được đánh giá là thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực.

Báo cáo của Allied Market Research cung cấp phân tích chi tiết về các động lực thay đổi của thị trường, các phân khúc hàng đầu, chuỗi giá trị, các gói đầu tư chính, kịch bản dành cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Theo đó, sự gia tăng nhu cầu đối với các sản phẩm và dịch vụ quản lý tài sản, sự xuất hiện của công nghệ tài chính (FinTech) và sự gia tăng nhu cầu về các khoản đầu tư thay thế đã thúc đẩy sự phát triển của thị trường quản lý tài sản tại khu vực. 

Thị trường quản lý tài sản châu Á - Thái Bình Dương dự báo sẽ đạt 811,5 tỷ USD vào năm 2030. Trong đó, thị trường quản lý tài sản tại Việt Nam được dự đoán có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 31,6% giai đoạn 2021-2030, nhanh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Ảnh minh hoạ

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng nổ, chính phủ nhiều nước đã tung ra các gói hỗ trợ nền kinh tế, áp dụng chính sách tiền tệ mở rộng, lượng tiền lớn được bơm ra cộng với dòng vốn từ hoạt động kinh doanh, tạo ra làn sóng tăng giá tài sản từ chứng khoán, bất động sản, tiền số… Hưởng ứng làn sóng, tài sản nhiều nhà đầu tư đã nhanh chóng tăng lên. 

Tại Việt Nam, với nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế vẫn đang được duy trì song song với việc kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá. Do đó, Việt Nam hiện là một trong các nước có lượng người thuộc tầng lớp trung lưu tăng mạnh nhất thế giới. 

Số liệu từ báo cáo Wealth Report của Knight Frank cho biết, cả nước có 19.419 triệu phú USD vào năm 2020, đứng thứ tư Đông Nam Á về số triệu phú, sau Singapore, Indonesia và Thailand. Dự báo đến năm 2025, Việt Nam sẽ có hơn 500 người siêu giàu với tài sản hơn 30 triệu USD và hơn 25.800 người sở hữu tài sản hơn 1 triệu USD. 

Sự gia tăng nhanh của tầng lớp trung lưu và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ là động lực quan trọng thúc đẩy thị trường quản lý tài sản. Đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay, một lượng lớn người đang có nhu cầu bảo toàn và tăng trưởng tài sản. Nhà đầu tư cần tìm một nơi trú ẩn trước những sóng gió của thị trường. 

Bối cảnh này mang tới cho các ngân hàng và tổ chức tài chính tại Việt Nam nhiều cơ hội phát triển dịch vụ ngân hàng cá nhân (private banking), gồm các dịch vụ đầu tư, quản lý tài sản, cũng như một dịch vụ đặc biệt khác dành riêng cho phân khúc giàu và siêu giàu. Với nhiều dư địa, ngành quản lý tài sản có thể giúp thúc đẩy cỗ máy kinh tế, động lực cho phát triển bền vững trước thế giới nhiều biến động. 

Nhìn trong dài hạn, nhu cầu gia tăng về quản lý tài sản là điều tất yếu tại thị trường Việt Nam, không chỉ riêng trong giai đoạn khó khăn như hiện nay. Ngành quản lý tài sản ở các thị trường nhiều nét tương đồng với Việt Nam như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Thái Lan cũng từng trải qua giai đoạn tăng trưởng mạnh khi thu nhập, tài sản của người dân tăng lên. 

Ảnh minh hoạ 

Tại các thị trường phát triển, xu hướng tìm đến một địa chỉ công ty tài chính uy tín, tin cậy để sử dụng dịch vụ tư vấn đầu tư hay lời khuyên về lựa chọn phân bổ tài sản đầu tư là rất phổ biến. Tuy nhiên, lĩnh vực quản lý tài sản trong nước vẫn còn đang non trẻ, chưa thực sự phổ biến. 

Hiện nay tại Việt Nam, dòng tiền của người dân thay vì phân bổ danh mục đầu tư, tài sản đa dạng nhằm tối ưu hóa lợi nhuận trong mọi kịch bản lại đang chủ yếu hướng đến các sản phẩm tài chính truyền thống như gửi tiết kiệm. Thêm vào đó, giai đoạn thị trường sôi động kéo theo việc nở rộ các mô hình không chính thống như ứng dụng huy động vốn đầu tư, ủy thác đầu tư, quản lý tài khoản… Không ít trong số đó đã bị cơ quan quản lý lên tiếng cảnh báo về những rủi ro mà nhà đầu tư có thể gặp phải.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhu cầu quản lý tài sản tại Việt Nam tăng mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO