Các chính sách thắt chặt tiền tệ có thể sắp lên tới đỉnh điểm

PV| 30/09/2022 19:50

Chính sách tiền tệ thắt chặt trên toàn cầu đang đẩy nền kinh tế thế giới tiến gần hơn đến bờ vực suy thoái. Giới chuyên gia dự báo căng thẳng thị trường sẽ lập đỉnh trong quý tới, buộc các Ngân hàng Trung ương phải có động thái mềm mỏng hơn.

Sau khi báo cáo Chỉ số giá tiêu dùng Mỹ tháng 8 được công bố “nóng” hơn dự báo, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã thông báo quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm, lên biên độ 3% - 3,25%. Ngày 22/9, từ châu Á đến châu Âu, một loạt Ngân hàng Trung ương hành động tương tự Fed, quyết định tăng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát. 

Các chuyên gia lo ngại một cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính sẽ là điều không thể tránh khỏi. Những động thái chính sách mạnh mẽ nhất trên toàn cầu sẽ đạt đến đỉnh điểm và tác động của nó đến 4 thị trường lớn (cổ phiếu, trái phiếu, tiền tệ và bất động sản sẽ rất khác nhau. 

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Gần đây, thị trường tài chính toàn cầu rơi vào trạng thái hỗn loạn. Đồng USD tăng không ngừng trong khi Nhật Bản thực hiện biện pháp can thiệp để làm tăng giá đồng yên lần đầu tiên kể từ năm 1998. 

Đồng bảng Anh cũng trượt xuống mức đáy mới trong 37 năm so với đồng USD sau khi Bộ trưởng Tài chính mới của nước này tung ra những đợt cắt giảm thuế lịch sử và sự gia tăng rất lớn trong việc vay nợ. Lợi suất trái phiếu chính phủ Anh cũng tăng cao nhất trong thời gian qua. 

Ở châu Âu, lợi suất trái phiếu 10 năm của Đức vượt mức 2% khi đầu năm nay giao dịch ở mức âm. Trái phiếu chính phủ Ý kỳ hạn 10 năm lần đầu tăng vượt 4,5% kể từ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng nợ công năm 2013. Tại Mỹ, S&P 500 đã rơi vào thị trường giá xuống sau khi chạm xuống mức thấp hơn đáy hồi tháng 6 và trái phiếu kho bạc 2 năm cũng bị bán tháo trong nhiều ngày liên tiếp.

Giới chuyên gia cho biết đồng USD tăng giá mạnh đang là diễn biến đáng lo ngại nhất, vì những đợt tăng giá kéo dài của đồng bạc xanh thường kết thúc trong khủng hoảng. Trên thị trường tiền tệ, đà leo dốc này sẽ kéo dài cho đến khi nó "bùng nổ" khiến các Ngân hàng Trung ương phải đảo ngược hướng đi. Theo lý thuyết, diễn biến của đồng USD thường là đường parabol, do vậy giới chuyên gia dự báo thời điểm đạt đỉnh sẽ không còn xa nữa. 

Với nhà đầu tư trái phiếu, một cuộc khủng hoảng sẽ hạn chế các khoản lỗ. Khi lãi suất chuẩn của Fed đạt mức 4% vào tháng 11 hoặc tháng 12, thì một cuộc khủng hoảng tín dụng sẽ hiện hữu và tốc độ tăng lãi suất sẽ chậm lại. Khi lợi suất trái phiếu 10 năm đã đạt mức 4% thì lợi suất trái phiếu dài hạn đã đạt đỉnh. Lợi suất của trái phiếu 2 năm thậm chí còn ở mức gần 4,30%, cho thấy mức đỉnh cũng đang cận kề.

Môi trường đầu tư chứng khoán hiện tại gần giống với đầu những năm 2000 vì định giá cao trong thời kỳ đại dịch chỉ có thể kéo dài ở những môi trường thuận lợi nhất cho lợi nhuận. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán cũng đang trong giai đoạn giảm tốc vì lợi nhuận doanh nghiệp giảm sút khiến giới đầu tư sẽ không đặt nhiều kỳ vọng trong quý tới. 

Ảnh minh hoạ 

Thị trường nhà ở cũng không miễn nhiễm. Nhu cầu sở hữu nhà của người tiêu dùng ngày càng “xa vời" khi giá nhà tăng gấp đôi và lãi suất cao. Điều này càng khiến người Mỹ né tránh thị trường này, trong khi đó lạm phát tiền thuê nhà cũng đang là vấn đề lớn của cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. 

Trước đó, giới quan chức Fed cho biết việc tăng lãi suất nhằm hạ nhiệt giá nhà và giá thuê. Khi một số thị trường đã hạ giá thì diễn biến này lại không gây khủng hoảng như sau năm 2008 vì các hộ gia đình gánh ít nợ hơn so với thời kỳ đỉnh điểm của bong bóng bất động sản. Nhưng bất động sản lại là tài sản chính của tầng lớp trung lưu, nên việc giảm giá lại ảnh hưởng đến bảng cân đối kế toán của người tiêu dùng, khiến sức chi tiêu chậm lại và lạm phát leo thang. 

Đối với các nền kinh tế khác, Ngân hàng Trung ương nào không nâng lãi suất theo kịp tốc độ của Fed sẽ phải đối mặt với tình trạng không mấy tích cực: đồng nội tệ suy yếu khiến lạm phát tăng cao hơn, hoặc tăng lãi suất và khiến nền kinh tế trong nước bất ổn. Song, đà tăng giá chóng mặt của đồng USD lại cho thấy những động thái quyết liệt của các Ngân hàng Trung ương sắp qua. 

Các chuyên gia cho rằng, môi trường “thiếu an toàn” này không thể kéo dài, buộc các nhà lập pháp phải nới lỏng chính sách tiền tệ, nếu không một cuộc khủng hoảng sẽ xảy ra. Sau đó, trái phiếu sẽ tăng giá nhưng đồng USD sụt giá. Nhà đầu tư sẽ mất một thời gian trước khi chứng kiến bất động sản và cổ phiếu hồi phục.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Các chính sách thắt chặt tiền tệ có thể sắp lên tới đỉnh điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO