3 xu hướng đầu tư sẽ "chiếm sóng" trong năm 2023-2024

PV| 14/10/2022 14:12

Bối cảnh đầu tư đang thay đổi nhanh hơn bao giờ hết và sở thích của nhà đầu tư liên tục thay đổi. Những tiến bộ công nghệ cho phép các nhà đầu tư xây dựng danh mục đầu tư theo những cách mới.

Đầu tư thụ động chiếm ưu thế 

Đầu tư thụ động là một chiến lược đầu tư để tối đa hóa lợi nhuận bằng cách giảm thiểu mua và bán. Theo đó các nhà đầu tư mua cổ phiếu trong các chỉ số phổ biến chẳng hạn như chỉ số S&P 500 và giữ nó trong một khoảng thời gian dài.

Đối với những nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi, muốn đầu tư dài hạn nhưng bận rộn, không có thời gian theo dõi thị trường thì đầu tư bị động là một lựa chọn phù hợp. Nó là hình thức đầu tư thuận tiện, dễ dàng cho việc giao dịch. 

Ảnh minh hoạ 

Các nhà đầu tư thụ động thường là những người không thích rủi ro, họ không mấy quan tâm đến nguồn lợi thu được từ những biến động nhất thời. Một nghiên cứu được thực hiện bởi Hội đồng Lương hưu Thế giới cho thấy từ 15%-20% các khoản đầu tư vào các quỹ hưu trí quy mô lớn hiện nay là các khoản đầu tư thụ động.

Trái ngược với đầu tư chủ động (nơi các nhà quản lý chọn cổ phiếu), các quỹ thụ động thường theo dõi một số loại chỉ số hoặc nhóm cổ phiếu. Đầu tư thụ động vẫn chiếm khoảng 43% tổng quỹ của Hoa Kỳ (bao gồm trái phiếu và các tài sản khác). 

Đối với đầu tư bị động, vì các nhà đầu tư hướng tới chiến lược lâu dài nên họ không chịu các tác động tâm lý khi thị trường bất ổn. Chi phí thấp bởi số lượng thực hiện giao dịch không nhiều, họ không thực hiện hình thức “mua nhanh bán gọn". 

Ví dụ điển hình cho đầu tư bị động là thông qua quỹ ETF (Quỹ hoán đổi danh mục). Trên toàn thế giới, số lượng ETF đã tăng lên 8.552 vào năm 2021. Theo PwC, dù số lượng quỹ tương hỗ được quản lý tích cực vẫn vượt quá số lượng quỹ ETF. Nhưng điều này dự kiến ​​sẽ thay đổi trong vài năm tới.

ESG dẫn đầu mọi chiến lược đầu tư 

Đầu tư dựa trên Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) đang bùng nổ trên thị trường tài chính trong vài năm qua. Xu hướng đầu tư này phát triển cả về nhận thức của nhà đầu tư, quỹ quản lý tài sản và các công ty. 

Năm 2020, có tổng cộng 400 quỹ đầu tư bền vững đang hoạt động, tăng 30% so với năm 2019 và gần gấp 4 lần so với cách đây 10 năm. Cùng năm, các quỹ ESG của Hoa Kỳ đã bổ sung thêm khoảng 51 tỷ USD vốn mới. Con số này tiếp tục được tăng thêm 21 tỷ USD trong quý đầu tiên năm 2021. 

Ảnh minh hoạ 

Trên toàn cầu, quỹ ESG đang phát triển nhanh hơn nhiều loại tài sản khác ngoài thị trường. Một số chuyên gia thậm chí còn dự đoán hơn 1000 tỷ USD sẽ tập trung vào ESG vào năm 2030, số lượng quỹ cũng đang tăng lên. 

Các quỹ lớn trên thế giới đang dần công khai về mức độ đầu tư vào các doanh nghiệp có ESG cao. Future Fund trị giá 166 tỷ USD của Australia có danh mục đầu tư xếp hạng cao nhất về số điểm ESG theo tính toán dựa trên số liệu của ba công ty xếp hạng hàng đầu là MSCI, Sustainalytics và Refinitiv. Các vị trí tiếp theo thuộc về NZ Super Fund trị giá 41 tỷ USD của New Zealand và Norges Bank Investment Management trị giá 1,3 tỷ USD của Na Uy. 

Các quyết định đầu tư dựa trên các yếu tố ESG đang ngày càng phổ biến trong giới đầu tư do 3 yếu tố. Thứ nhất, các công ty có các yếu tố ESG tốt sẽ phát triển ổn định trong dài hạn, mang lại lợi ích cho nhà đầu tư. Thứ hai, nhà đầu tư, những người đổ tiền vào quỹ đang ngày càng quan tâm đến các yếu tố môi trường, xã hội, quản lý và họ yêu cầu các quỹ dùng tiền của họ cũng phải xem xét các yếu tố đó. Cuối cùng, các nhóm hoạt động, chính trị gia vì môi trường, xã hội đang nổi lên mạnh mẽ. 

Cổ phiếu meme ảnh hưởng lớn đến thị trường

Năm qua, cụm từ “cổ phiếu meme - meme stock” đã trở nên phổ biến trong giới đầu tư chứng khoán toàn cầu. Nó ám chỉ các cổ phiếu tăng giá mạnh nhờ hiệu ứng lan truyền trên mạng xã hội, không liên quan gì tới hoạt động kinh doanh. Hiện tượng này xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 1/2021, khi cổ phiếu của nhà bán lẻ trò chơi điện tử Hoa Kỳ GameStop (GME) tăng 1.900% chỉ trong chưa đến một tháng.  

Một ví dụ khác là cổ phiếu AMC Entertainment Holdings. Trong vòng gần 5 tháng, từ ngày 14/1 - 2/6/2021, cổ phiếu này xác lập mức tăng 27,7 lần, từ 2,18 USD/cổ phiếu lên 62,55 USD/cổ phiếu.

Ảnh minh hoạ 

Kể từ đó, cộng đồng nhà đầu tư theo dõi các cổ phiếu này đã ngày một tăng lên. Đặc điểm chung của GameStop và AMC là hoạt động kinh doanh đi xuống nhiều năm nay nhưng lại được Reddit - diễn đàn của các nhà đầu tư cá nhân, hô hào mua vào với hai mục tiêu chính là: đẩy giá cổ phiếu lên cao nhằm kiếm lợi nhuận và buộc các quỹ lớn phải từ bỏ trạng thái đặc cược bán khống cổ phiếu.

Kết cục, đám đông nhà đầu tư cá nhân đã chiến thắng, làm nhiều quỹ đầu tư thua lỗ lớn. Đỉnh điểm là Quỹ Melvin Capital, quỹ quản lý 12,5 tỷ USD tài sản đã bốc hơi hơn 50% NAV trong tháng 1/2021. 

Các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã tự mình phát triển một chiến lược đầu tư vào “cổ phiếu meme” độc đáo, tận dụng một cộng đồng trực tuyến ngày một lớn mạnh cùng các công cụ đầu tư mới để đầu tư vào các cổ phiếu tiêu dùng nhỏ và tạo ra những thách thức rất lớn cho các định chế đầu tư. Đó là lý do khiến thị trường tin rằng các cổ phiếu meme sẽ là một hiện tượng có ảnh hưởng lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
3 xu hướng đầu tư sẽ "chiếm sóng" trong năm 2023-2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO