Tổ chức Y tế thế giới hợp thảo luận về bệnh đậu mùa khỉ

Thu Phương| 07/07/2022 17:05

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự kiến triệu tập một cuộc họp vào ngày 18/7 hoặc sớm hơn nếu cần, để đánh giá tình hình và xem xét có nên tuyên tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ hay không. Động thái được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm liên tục gia tăng trên toàn cầu.

Logo của WHO tại tòa nhà ở trụ sở chính tại Geneva, Thụy Sĩ (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Vào cuối tháng 6, WHO đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ không phải tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, khi virus tiếp tục lây lan, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã yêu cầu xem xét lại vấn đề một lần nữa, dựa trên dữ liệu mới nhất về dịch tễ học và diễn biến của đợt bùng phát. Tính đến thời điểm hiện tại, WHO đã xác nhận hơn 6.000 ca mắc đậu mùa khỉ tại 58 quốc gia và vùng lãnh thổ.

WHO định nghĩa tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC) là một sự kiện bất thường gây rủi ro đối với sức khỏe cộng đồng của các quốc gia khác nhau thông qua sự lây lan toàn cầu, và có thể cần sự phối hợp quốc tế để giải quyết. Kể từ năm 2009 đến nay, WHO mới 6 lần tuyên bố một bệnh là PHEIC, với lần gần nhất là với đại dịch COVID-19 vào năm 2020.

Ông Tedros cho biết xét nghiệm vẫn là một thách thức và có khả năng cao là số lượng mắc bệnh nhiều hơn nhưng không được phát hiện. Châu Âu là tâm chấn hiện tại của đợt bùng phát, chiếm 80% tổng số ca mắc trên toàn cầu. Ở châu Phi, virus bắt đầu xuất hiện ở những quốc gia trước đây không bị ảnh hưởng, trong khi đó, tại những nơi từng ghi nhận các ca mắc đậu mùa khỉ, con số kỷ lục đang được báo cáo. 

Tổ chức Y tế thế giới đang đàm phán với các quốc gia và nhà sản xuất thuốc để phối hợp chia sẻ vắc xin phòng bệnh đậu khỉ vốn đang khan hiếm. WHO cũng đang làm việc với các tổ chức xã hội để phá vỡ sự kỳ thị đối với những người mắc bệnh và truyền bá thông tin để mọi người hiểu rõ hơn về loại virus này. 

Bệnh được gọi là đậu mùa khỉ vì nó được phát hiện lần đầu tiên ở những đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu vào năm 1958. Ca nhiễm trên người đầu tiên được ghi nhận vào năm 1970 tại Congo. Trước đây, bệnh đậu mùa khỉ hiếm khi xảy ra bên ngoài châu Phi, do đó, đợt bùng phát tại nhiều quốc gia châu Âu hiện nay đang gây ra lo ngại.

Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, nhức đầu, đau nhức cơ, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, kiệt sức và phát ban trên da trông giống như mụn nước.

Da của một người mắc bệnh đậu mùa khỉ (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Virus đậu mùa khỉ có thể lây lan từ người này sang người khác khi tiếp xúc trực tiếp với nốt ban, dịch cơ thể như mủ hoặc máu từ tổn thương trên da. Quần áo, ga gối, khăn mặt hoặc vật dụng khác như dụng cụ ăn/bát đĩa bị nhiễm virus do tiếp xúc với  người nhiễm bệnh cũng có thể làm lây bệnh cho người khác. Virus có thể lây qua nước bọt. Ngoài ra, bệnh cũng có thể truyền từ mẹ sang con khi mang thai.

Thông thường, triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ sẽ tự mất đi trong vài tuần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, virus có thể dẫn đến các biến chứng và thậm chí là tử vong. Biến chứng bao gồm nhiễm trùng da, viêm phổi, lú lẫn, và nhiễm trùng mắt có thể dẫn đến mất thị giác. Tỷ lệ tử vong cao hơn ở trẻ em và thiếu niên, trong khi đó, những người có hệ miễn dịch suy giảm dễ bị bệnh nặng.

Hiện chỉ có một loại vắc xin ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ là Jynneos của Bavaria Nordic. Vắc xin gồm hai mũi, cách nhau 4 tuần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổ chức Y tế thế giới hợp thảo luận về bệnh đậu mùa khỉ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO