Sông Lô... thời xa vắng

Trúc Nhân| 07/07/2017 16:18

Tình trạng khai thác cát bừa bãi khiến dòng sông Lô luôn phải oằn mình chống chọi, dòng sông vươn những con nước bám lấy bờ như cầu cứu, nhưng bờ cũng phải lở…

Ký ức một dòng sông

Sông Lô xưa là bến đỗ để mỗi khi những đoàn thuyền cập bến, người ta dừng bên những gốc cây gạo cổ thụ nghỉ chân. Trong ký ức của những người dân ở xã Phương Khoan: Trước đây, khi Khoan Bộ kết nghĩa với một làng khác ở tận Tuyên Quang, mỗi khi làng có hội hè, tiệc tùng mời “đàng anh” đến dự, thì bến đỗ bên hai bờ sông Lô là nơi mà hai bên gặp nhau và giao lưu văn hóa.

Cũng cách đây từ rất lâu, khi những tàu cuốc khai thác cát chưa “đổ bộ” vào hai bên bờ của dòng sông Lô, có rất nhiều những cồn cát nhô lên thành bãi rộng lớn, phẳng phiu. Đó là nơi mà mỗi khi người dân địa phương đi chăn trâu, bắt cá lên ngồi nghỉ ngơi. Là sân chơi tuổi thơ một thời của thế hệ những người đi trước thả diều, đá bóng. Thời ấy, dòng sông Lô trong vắt…

Sông Lô không còn bình yên khi các tàu cát thi nhau tận diệt tài nguyên...

Rồi tất cả trở thành dĩ vãng, không còn những bãi cát bồi bên sông. Dòng Lô trở thành đại công trường dưới nước. Tiếng máy móc ầm ầm hò hét cổ vũ cho những “cánh tay sắt” móc sâu xuống lòng sông lấy cát. Hai bên bờ soi mênh mông ngô, khoai một thời cũng dần dần bị thu hẹp.

Dòng Lô không còn bình yên. Nghe nói cát lấy từ sông Lô là loại cát đẹp nhất, có giá nhất. Nhiều doanh nghiệp một thời đi thu gom, mua lại đất bờ soi của người dân để tận thu khai thác cát. Bến lở, nước sông ngày càng đục hơn. Các doanh nghiệp chạy đua để lấy những hợp đồng khai thác mỏ, những tàu cuốc của “cát tặc” ngày đêm dày xéo lên sông.

Khi những khối đất màu mỡ làm ra những hạt ngô chắc mẩy, lặc lè bị những “cánh tay sắt” lôi xuống sông, người dân tiếc đứt  đruột. Họ bắt đầu giữ đất.

Những lá đơn kiến nghị được gửi lên chính quyền thôn, chính quyền xã… Đơn cứ gửi, tàu cuốc vẫn cứ tiến sát bờ. Những cánh tay sắt cứ với dài, ngoạm vào bờ xôi, ruộng mật.

Bất đắc dĩ, người dân hè nhau ra đuổi tàu. Họ dùng đất, đá, chai, lọ… ném xuống tàu xua đuổi. Dân ném, tàu đi. Dân về, tàu lại tới. Những cuộc chiến nối dài giữa người dân và “cát tặc” ngày càng trở nên khốc liệt hơn…

Máu của người dân giữ đất

Bờ lở, dân mất đất...

Người dân Khu 5 (thôn Hùng Mạnh, xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) vẫn không thể quên buổi tối kinh hoàng bị “cát tặc” xả súng tấn công khi ra giữ đất… Ngày 17/10/2012, thấy nhiều tàu cuốc đang khai thác cát vào khu vực bãi Soi làm sạt lở đất và ảnh hưởng tới đất nông nghiệp. Vì đi đầu cầm đèn pin để soi đường nên anh Nguyễn Văn Trung (SN 1976) đã bị “cát tặc” bắn trúng và bị đạn hoa cải găm đầy vào phần bụng và phần đùi phải đi cấp cứu.

Anh Nguyễn Xuân Tỉnh (SN 1989) cũng bị đạn hoa cải bắn vào gối và bị thương nhẹ, một số người khác may mắn đã chạy thoát thân. May mắn không người dân nào thiệt mạng.

Vụ nổ súng nói trên của “cát tặc” đã làm người dân nơi đây rất bất bình và lo lắng về độ manh động và hung hãn của “cát tặc”. Trong số vỏ đạn còn sót lại ở hiện trường, người dân cho rằng có cả vỏ đạn của loại súng K54.

Trước đó, ngày 4/4/2012 người dân của thôn Anh Dũng (xã Bạch Lưu) cũng đã bị “cát tặc” nổ súng tấn công khiến 4 thanh niên bị thương nặng. Còn rất nhiều những vụ ẩu đả, đấu súng khác vẫn diễn ra bên dòng sông Lô này…

Liên quan đến sự việc, Cục CSHS xác lập chuyên án 912CT phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ đấu tranh, điều tra làm rõ các ổ nhóm đối tượng liên quan. Tại đây, lực lượng công an đã bắt quả tang 27 đối tượng đang tham gia khai thác cát trái phép, thu giữ trên tàu 1 khẩu súng, hàng chục dao kiếm các loại. 12 đối tượng liên quan đã bị triệu tập về trụ sở cơ quan công an để điều tra, làm rõ vai trò, xử lý theo quy định pháp luật.

Còn dọc bờ sông phía tỉnh Tuyên Quang, bãi soi Dù Dì thuộc xã Sầm Dương, huyện Sơn Dương đã bị những chiếc tàu cuốc móc cho tan hoang. Giờ chúng vẫn nghênh ngang neo đậu, mặc sự xua đuổi của người dân bên bờ… Đêm 18/12/2014, trong lúc ra giữ đất ở bãi soi nhà mình, anh Nguyễn Văn Hởi (thôn Thái Thịnh, xã Sầm Dương, huyện Sơn Dương) cũng bị côn đồ đánh đến phải nhập viện. Hiện giờ, chân anh Hởi vẫn chưa thể đi lại bình thường.

Việc những con tàu liên tục áp sát bờ luôn là nỗi bất bình của người dân...

Ngày 28/5/2015, anh Nguyễn Thế Mạch trú tại thôn Quyết Tiến (xã Lâm Xuyên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) bị một nhóm côn đồ từ dưới tàu cuốc lên bờ đánh toạc đầu, phải khâu đến 3 mũi trong lúc đi kiểm tra bãi ngô nhà mình tại bãi soi bãi Ủi thuộc thôn Quyết Thắng.

Anh Mạch kể: “Đêm hôm ấy, vào lúc 0g 40, khi tôi ra đến đầu soi sát mép nước thuộc đất nông nghiệp của nhà tôi. Thấy tàu cuốc đang hoạt động liên tục cùng với hai chiếc tàu chở cát một đã đầy, một chưa có cát, tôi nhặt mấy hòn đá ở mép soi ném xuống tàu. Tàu dừng lại, lúc đó khoảng 1g hơn. Sau đó 4 người đi phao ngược lên bến đò Tung Cần, sau đó lao vào dùng gậy tre, xẻng lao vào đánh tới tấp vào đầu tôi rồi bỏ đi, khiến tôi phải khâu 3 mũi…”.

Khai thác như hiện nay cát sẽ cạn kiệt

Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ, ngành, địa phương về hoạt động khai thác, kinh doanh cát sỏi ngày 6/7 vừa qua.

Kết luận tại hội nghị này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ TN-MT, Công an, GTVT, Xây dựng, NN-PTNT… thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03 của Thủ tướng Chính phủ tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản.

UBND các tỉnh, thành phố tiến hành rà soát, điều chỉnh các quy hoạch thăm dò, khai thác cát đã được phê duyệt theo quy định, chỉ đạo các sở ngành thực hiện đúng quy định về trình tự, thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức, cá nhân và trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính cấp huyện, xã để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép, lập bến bãi thu mua trái phép cát, sỏi kéo dài mà không xử lý dứt điểm…

Hy vọng rằng, với những động thái tích cực dòng sông Lô sẽ được “cứu”, và quan trọng hơn cả là tài nguyên khoáng sản không còn bị khai thác kiểu tận diệt như hiện nay…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sông Lô... thời xa vắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO