Sơn La: Bảo tồn nét đẹp văn hoá trang phục dân tộc Mông

Hoài Thương| 03/10/2021 18:18

Ngày nay khi những bộ trang phục truyền thống của một số đồng bào dân tộc đang dần ít xuất hiện trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, thì đồng bào dân tộc Mông vẫn luôn có cách gìn giữ và làm nổi bật bộ trang phục của mình.

anh-1-bai-dan-toc-mong-1-w1000-h664.jpg

Nghề thêu, may trang phục truyền thống được người dân tộc Mông truyền từ đời này qua đời khác.

Xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La là xã có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống nhất, chiếm hơn 60% dân số là người Mông trên địa bàn huyện Vân Hồ. Từ bao đời nay, những người phụ nữ dân tộc Mông ở nơi đây vẫn gìn giữ được phong tục may, thêu và sử dụng trang phục trong cuộc sống hàng ngày.

Phải thừa nhận rằng, trang phục truyền thống của dân tộc Mông là trang phục rất đặc biệt. Trong cuộc sống hiện đại, với sự du nhập của nhiều kiểu thời trang bắt nhịp xu hướng mới, thì những bộ váy áo dân tộc Mông vẫn luôn được yêu thích và được tìm đến nhiều nhất mỗi khi cần đến chất liệu dân tộc trong những sự kiện đặc biệt, hay cần sự sáng tạo nghệ thuật. Trang phục dân tộc Mông ngày nay có sự cải tiến rất nhiều so với truyền thống, và mỗi sự cách tân đều có chủ đích riêng để làm nổi bật thêm những nét độc đáo, riêng có của bộ trang phục này.

Trang phục nổi bật và đặc biệt nhất phải kể đến là váy của phụ nữ Mông. Những chiếc váy có hình nón cụt, phần eo hông bó sát, phần thân váy xòe rộng do kỹ thuật xếp nếp sóng váy độc đáo, thân váy được trang trí bằng hoa văn vẽ từ sáp ong, ghép vải màu với những hoạ tiết bậc thang, đan chéo. Trang phục người Mông Hoa trước đây được làm bằng vải lanh, nay nghề trồng lanh dệt vải đã mai một, do đó, đồng bào dùng vải dệt công nghiệp nhưng cách tạo hoa văn, thêu, trang trí các hoạ tiết hoa văn vẫn theo lối truyền thống.

anh-1-bai-dan-toc-mong-1-w1000-h664.jpg

Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục của người Mông thể hiện ở việc vẽ thêu, chắp, ghép hoa văn, tạo sóng cho váy.

Chị Tráng Thị Dua ở bản Pa Kha, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ cho hay: Gia đình chị làm nghề thêu, may từ thời xa xưa và chị rất yêu nghề này. Đến nay, chị vẫn nối tiếp truyền thống gia đình để duy trì, giữ gìn bản sắc của dân tộc Mông. Hiện chị mở một cửa hàng kinh doanh với nhiều trang phục nam, nữ các loại trên địa bàn xã. Cùng với đó, chị còn tìm tòi, học hỏi trên mạng internet những hoa văn độc đáo, lạ, đẹp mắt của dân tộc Mông ở các nước bạn, để có thêm nhiều mẫu mã khác đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Chị Dua tâm sự: “ Để giữ gìn bản sắc dân tộc mình, tôi cũng có ý định thành lập nhóm khoảng từ 15 - 20 người là chị em phụ nữ trong bản để cùng nhau may váy, chị em cùng nhau giữ gìn bản sắc của mình không bị mai một, hai nữa là tạo công ăn việc làm cho mọi người. Mình cũng phải dạy lại cho con cháu biết được cách may, thêu váy kết hợp với làm du lịch cộng đồng cho du khách trải nghiệm việc may váy, để trang phục của dân tộc mình được nhiều người biết đến hơn nữa.

Hầu hết các gia đình người Mông đều có máy may và nhà nào có con đi lấy chồng đều được tặng cho một chiếc máy may. Nhất là vào dịp giáp Tết hay những lúc rảnh rỗi, người phụ nữ Mông lại tập trung may, thêu trang phục cho mình và gia đình. Cùng với đó, nhiều gia đình đã đầu tư mua thêm máy may để phục vụ nhu cầu của người dân địa phương và khách du lịch.

Bạn Hờ Thị Mai Lan ở xã Lóng Luông chia sẻ: “ Bản thân năm nay 15 tuổi nhưng cách đây 3 năm đã được mẹ dạy cho một trong những công đoạn của thêu, may trang phục dân tộc nên ngoài thời gian đi học, những lúc rảnh rỗi là em lại tự thêu, may đồng phục, trang phục cho mình. Hiện tại thì sau 3 năm em tự học thì em đã biết thêu các hoa văn của dân tộc mình. Trong tương lai thì em muốn học thêm may để có thể tự may cho mình bộ trang phục của dân tộc mình”.

Những năm gần đây, du khách khi đến với Vân Hồ đều yêu thích những bộ trang phục của người Mông bởi màu sắc đẹp, lạ mắt. Trang phục không chỉ phục vụ đồng bào dân tộc Mông mà còn bán cho du khách để làm kỷ niệm. Nhờ đó, mặt hàng này đã trở thành hàng hóa và được nhiều hộ sản xuất phục vụ khách hàng.

Ông Tếnh A Chìa, Chủ tịch UBND xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ nói: “ Một trang phục của người Mông cũng khá là đắt tiền, mỗi bộ trang phục bình thường ít nhất cũng từ 1 đến 2 triệu nên là cũng tạo được nguồn thu nhập cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã. So với các mặt hàng khác thì trang phục của người dân tộc Mông cũng góp phần vào sự phát triển kinh tế của hộ gia đình trên địa bàn xã, nói chung là kinh tế các hộ gia đình đã ổn định ”.

Để bảo tồn văn hóa trên trang phục của người phụ nữ Mông, huyện Vân Hồ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến đồng bào tiếp tục duy trì, bảo tồn nghề truyền thống với những nét hoa văn chủ đạo của dân tộc mình. Hàng năm tổ chức cuộc thi “Người đẹp trình diễn trang phục Mông” và các hoạt động văn hóa biểu diễn, trình diễn nghệ thuật. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động truyền dạy nghề thêu, may truyền thống; tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch nhằm đưa trang phục của người Mông trở thành sản phẩm du lịch gắn với việc bảo tồn các nét đẹp văn hóa cũng như phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tăng thu nhập của đồng bào dân tộc Mông.

Chị Nguyễn Thị Lư, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La cho biết: “ Để tiếp tục duy trì và phát triển trang phục này, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp, cơ chế chính sách để hỗ trợ phát triển nghề này; đặc biệt là hỗ trợ cho những nghệ nhân truyền dạy nghề này để đưa sản phẩm trang phục phụ nữ người Mông trở thành sản phẩm du lịch nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội cũng như tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện ”.

anh-1-bai-dan-toc-mong-1-w1000-h664.jpg

Những đồng bạc trắng gắn trên trang phục của người dân tộc Mông không chỉ đẹp mắt, mà còn phát ra âm điệu theo từng bước đi.

Dạo một vòng quanh các tiệm cho thuê trang phục tại huyện Mộc Châu, Vân Hồ và Thành phố Sơn La, sẽ không hiếm gặp những bộ váy lấy hoa văn trang phục dân tộc Mông làm nền có kiểu dáng khác lạ, cách tân một cách tinh tế và khéo léo mang hơi hướng nghệ thuật hiện đại, đôi khi là nhấn nhá hoa văn trên bộ váy dạ hội hay những bộ váy xếp tầng kiểu cách độc đáo, những bộ trang phục này thường được lựa chọn để biểu diễn nghệ thuật là chủ yếu.

Trang phục dân tộc Mông còn xuất hiện trên các sản phẩm âm nhạc của các ca sĩ nổi tiếng được công chúng yêu thích đón nhận, hay các chương trình truyền hình với những thiết kế cách tân mà vẫn đậm chất truyền thống. Điều đó đã chứng minh, nét độc đáo của hoa văn trên trang phục người Mông đã và đang được phổ biến, có sức ảnh hưởng lớn đến cộng đồng.

anh-1-bai-dan-toc-mong-1-w1000-h664.jpg

Với những nét độc đáo riêng biệt, trang phục của người Mông đã trở thành sản phẩm du lịch gắn với việc bảo tồn nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Bắc.

Có thể thấy, phụ nữ Mông hiện nay có nhiều lựa chọn về trang phục hiện đại để phù hợp hơn với tính chất công việc và lối sinh hoạt mới. Nhưng văn hóa truyền thống vẫn có sức sống bền vững trong đời sống của họ và trang phục là vật thể kết tinh văn hóa dân tộc để mỗi người luôn nhớ về nguồn cội, tự hào về xuất thân của chính mình, được cộng đồng biết đến như một phần đại diện cho văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông.

Việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần, khích lệ người dân thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn an ninh trật tự, mà còn được huyện Vân Hồ khai thác hiệu quả để phát triển du lịch, mở ra những cơ hội phát triển mới cho địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Bảo tồn nét đẹp văn hoá trang phục dân tộc Mông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO