Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục đấu thầu tiếp 16.800 lượng vàng miếng SJC, nhưng chưa thông báo giá tham chiếu.
Theo thông tin từ NHNN, nhằm tiếp tục thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai ngay các giải pháp bình ổn thị trường vàng để xử lý tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao, NHNN tiếp tục tổ chức phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC vào ngày 25/04/2024.
Tổng khối lượng vàng miếng dự kiến đấu thầu tiếp tục là 16.800 lượng. Tỷ lệ đặt cọc là 10%. Khối lượng đấu thầu tối thiểu của một thành viên là 1.400 lượng, khối lượng đấu thầu tối đa của một thành viên là 2.000 lượng.
Trước đó, ngày 23/4, NHNN cho biết đã đấu thầu thành công 34 lô tương đương 3.400 lượng vàng với tổng số thành viên trúng thầu là 2 thành viên. Theo đó, giá trúng thầu cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng.
NHNN cho biết việc đấu thầu vàng miếng lần này là nhằm can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo các chuyên gia kinh tế phiên đấu thầu vàng miếng diễn ra sáng 23/4 cho thấy, các đơn vị tham gia đấu thầu đã thận trọng. Cụ thể, có 11 đơn vị tham gia, nhưng chỉ có 2 doanh nghiệp trúng thầu với tổng khối lượng 3.400 lượng vàng.
Thực tế, nhu cầu thị trường trong nước mang yếu tố tâm lý nhiều hơn. Trao đổi với báo chí, ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, không chỉ cân nhắc về giá, quy định tham gia đấu thầu của NHNN là thành viên tham gia phải mua tối thiểu 1.400 lượng vàng SJC.
Điều này khiến không ít doanh nghiệp phải cân nhắc. Bởi trong 2 ngày gần đây, giá vàng thế giới đang "hạ nhiệt" và mua lượng vàng lớn lúc này không thực sự thuận lợi. Hơn nữa, yêu cầu của NHNN là doanh nghiệp phải đặt tối thiểu 14 lô (tương đương 1.400 lượng vàng) là quá lớn, trong khi đó, có doanh nghiệp chỉ đang âm khoảng vài trăm lượng vàng. Do đó, doanh nghiệp có thể vẫn đăng ký tham gia đấu thầu nhưng sau đó không tiến hành bỏ thầu vì e ngại rủi ro thị trường khi "ôm" vàng số lượng lớn.