Giao thông

Rà soát chặt hoạt động quản lý vận tải xe khách

Hải Long 12/10/2023 07:37

"Phải rà soát lại hoạt động xe hợp đồng, phải tìm kẽ hở và bịt lại kẽ hở để hoạt động kinh doanh phải trong khuôn khổ của pháp luật".

Yêu cầu trên được Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đưa ra tại Hội nghị đánh giá sơ kết công tác 9 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2023 ngày 11/10.

xekhach.jpeg
Tính đến hết tháng 9/2023, giá trị giải ngân của Bộ GTVT đã đạt 58.000 tỷ đồng, đạt 61% kế hoạch năm

9 tháng giải ngân đạt 61% kế hoạch năm

Thông tin tại Hội nghị, ông Bùi Quang Thái, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Đầu tư cho biết, tính đến hết tháng 9/2023, giá trị giải ngân của Bộ GTVT đã đạt 58.000 tỷ đồng, đạt 61% kế hoạch năm. Riêng tháng 9 các chủ đầu tư đã giải ngân đạt 98% kế hoạch đăng ký theo tháng.

"Theo tính toán, trong 4 tháng cuối năm, Bộ GTVT cần giải ngân 37.000 tỷ đồng. Nếu các chủ đầu tư được duy trì tốc độ giải ngân như tháng 9/2023, mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn được giao của Bộ sẽ đạt được", ông Thái nhận định.

Một điểm sáng nữa được Vụ Kế hoạch-Đầu tư cho biết, đó là Ban QLDA Thăng Long và Ban QLDA Mỹ Thuận đã "vượt khỏi vòng an toàn", sẵn sàng tiếp nhận một khối lượng lớn số vốn từ các chủ đầu tư khác.

Về công tác dịch vụ công trực tuyến, theo ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ GTVT), thời gian qua, Bộ GTVT tiếp tục duy trì cung cấp 291 dịch vụ công trực tuyến trong tổng số 404 thủ tục hành chính (đạt tỷ lệ 72%).

Mỗi hồ sơ đổi GPLX trực tuyến thực hiện sẽ tiết kiệm khoảng 700.000 đồng

9 tháng đầu năm 2023, hệ thống đã tiếp nhận và xử lý 172.133 hồ sơ (tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 94%), với hơn 105.000 tài khoản sử dụng. So với 9 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tăng khoảng 7,8%.

Riêng hệ thống cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) trực tuyến, ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, thời điểm hiện tại, hệ thống cấp đổi tiếp nhận khoảng 1.000 hồ sơ/ngày. Tính trung bình cho việc ăn nghỉ, đi lại của người dân ở các xã vùng xa có khảng cách đến trung tâm thành phố khoảng 300 km, mỗi hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe thực hiện theo hình thức trực tuyến tiết kiệm được khoảng 700.000 đồng.

Bên cạnh đó, Cục Đường bộ cũng sẽ tiếp tục triển khai hệ thống giao thông thông minh (ITS) trên các tuyến cao tốc đang khai thác hiện nay. Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung thêm Đề án sử dụng công nghệ thông tin camera giám sát trên một số tuyến quốc lộ cấp 1, tuyến đường trọng yếu.

Đối với lĩnh vực hàng không, theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, việc thí điểm triển khai thủ tục bay sử dụng sinh trắc học đã kết thúc thí điểm. Theo kế hoạch, nếu thuận lợi, việc ứng dụng này sẽ được triển khai đồng loạt các cảng hàng không từ tháng 11/2023.

Nhiệm vụ những tháng cuối năm rất nặng nề

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đánh giá 9 tháng đầu năm ngành GTVT đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Mặc dù vậy, trong những tháng cuối năm "còn rất nặng nề với 40% khối lượng giải ngân vốn đầu công còn lại và hoàn thiện tổng kết các luật chuyên ngành (Luật Hàng không dân dụng, Luật Đường sắt...) để trình cấp có thẩm quyền".

Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung hoàn thành các công việc còn tồn đọng so với kế hoạch đăng ký. Với các dự án đang triển khai thi công, các chủ đầu tư, ban QLDA bám sát công trường, phối hợp tháo gỡ vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng, bãi đổ thải, vật liệu, chuyển đổi đất rừng, đất lúa, hỗ trợ các nhà thầu trong thủ tục nghiệm thu, thanh toán.

"Cần ngăn chặn những trường hợp gây nhũng nhiễu trong thực hiện thủ tục giải ngân, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền.

Cục quản lý chuyên ngành kiểm soát chặt chẽ tiến độ thực hiện gắn với tiến độ giải ngân, đặc biệt quan tâm đến chất lượng công trình. Vị trí nào thấy có dấu hiệu bất thường thì kiểm tra ngay để đánh giá, có phương án xử lý kịp thời", Bộ trưởng đặc biệt lưu ý.

"Bịt kẽ hở" trong quản lý vận tải khách

Liên quan đến công tác quản lý vận tải khách, ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, theo rà soát, hiện nay, trong khoảng 540.000 xe ô tô kinh doanh vận tải khách trên cả nước, số lượng phương tiện hoạt động theo hình thức xe hợp đồng là 240.000 xe.

"Hơn 8 năm qua, thiết bị giám sát hành trình (GPS) đã được đưa vào quản lý, tuy nhiên hiệu quả chưa được như kỳ vọng nhưng", ông Cường thừa nhận.

Trong lúc chờ đợi có công nghệ quản lý mới thông minh hơn, Cục Đường bộ Việt Nam đang tiếp tục chỉ đạo Sở GTVT cùng C08 (Bộ Công an) căn cứ dữ liệu giám sát hành trình để tăng cường quản lý.

"Hiện nay, Cục Đường bộ cũng đã bàn giao 64 tài khoản để C08 truy cập hàng ngày, giám sát, kịp thời xử lý vi phạm cùng lực lương chức năng tại 63 Sở GTVT", ông Cường nói và cho biết, thời gian tới, Cục Đường bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất điều chỉnh điều kiện kinh doanh trong hoạt động vận tải tại Luật, Nghị định liên quan theo hướng chặt chẽ hơn.

Đặc biệt quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn giao thông, Bộ trưởng Bộ GTVT đánh giá, những quý đầu năm, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) tiếp tục giảm về số vụ, số người chết nhưng song số người bị thương vẫn tăng và các vụ TNGT nghiêm trọng vẫn còn xảy ra.

Thực trạng trên đòi hỏi các cục quản lý chuyên ngành tiếp tục thực hiện các giải pháp mạnh mẽ siết chặt quản lý hoạt động vận tải; phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng của các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, nhất là việc chấp hành quy định kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh vận tải.

"Phải rà soát lại hoạt động xe hợp đồng, phải tìm kẽ hở và bịt lại kẽ hở để hoạt động kinh doanh phải trong khuôn khổ của pháp luật. Hai vấn đề lớn chúng ta cần chú trọng là doanh thu, tình hình đóng thuế theo quy định của pháp luật và kiểm soát hành trình di chuyển, luồng tuyến đăng ký", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rà soát chặt hoạt động quản lý vận tải xe khách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO