Nhân kỷ niệm 70 năm truyền thống Ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam (10/10/1952 – 10/10/2022), 20 năm thành lập Chi nhánh NXB Trẻ tại Hà Nội, NXB Trẻ ra mắt bộ sách 7 cuốn phiên bản đặc biệt bìa cứng của các nhà văn nổi tiếng ở phía Bắc và Việt Nam.
Bộ sách 7 cuốn bìa cứng đặc biệt, gồm: Tướng về hưu và những truyện khác (Nguyễn Huy Thiệp), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Bến không chồng (Dương Hướng), Cơ hội của Chúa (Nguyễn Việt Hà), Người đi vắng (Nguyễn Bình Phương), Vắng mặt (Đỗ Phấn), Những đứa con rải rác trên đường (Hồ Anh Thái). Đây là bộ sách giá trị cho những người yêu sách và văn chương Việt Nam.
Tướng về hưu và những truyện khác (Nguyễn Huy Thiệp): “Khi tôi nhận ra rằng văn học là thế giới hoang tưởng của người viết thì không có nghĩa là tôi hạ thấp giá trị văn học. Tôi chỉ vạch ra khía cạnh vô bổ, vô nghĩa của văn học mà thôi. Tôi cũng đã cảnh tỉnh đề người viết dè chừng khả năng bị tha hóa về mặt tinh thần, đạo đức khi cầm bút viết… Văn học có nhiều con đường, nhiều con đường dẫn tới văn học. Tất cả vẫn còn đang đi trên đường” (Con đường văn học). Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng nhận Huân chương Văn học nghệ thuật Pháp năm 2007 và Giải thưởng Premio Nonino Ý năm 2008.
Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh): Đây là một tác phẩm cực kỳ tương phản với dòng văn học của Mỹ về cuộc chiến tranh Việt Nam. Tác phẩm đã được chuyển ngữ ra 18 thứ tiếng và xuất bản tại 22 nước trên thế giới. “Nỗi buồn chiến tranh” là một tiểu thuyết vô cùng giá trị. Trôi dạt giữa thời gian và không gian, chuyển dịch nhuần nhuyễn giữa những ký ức của những ngày tháng trước chiến tranh với những mô tả về các trận đánh, cuốn tiểu thuyết mang trong mình sự bình yên và nỗi đau buồn, chất thơ của văn học lãng mạn, sự sâu sắc của văn học hiện thực" (Times Literary Supplement).
Tác phẩm đã nhận Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam (1991), Giải thưởng cho tác phẩm Văn học của The Independent (Vương quốc Anh); Giải thưởng Văn học nước ngoài ALOA (Đan Mạch, 1998), Giải thưởng Nikkei châu Á (2011), Giải thưởng Văn học Sim Hun (Hàn Quốc, 2016).
Bến không chồng (Dương Hướng): Theo André Claven, Le Temps: “Bến không chồng” đã tấn công vào một đề tài hóc búa “chiến tranh”, phản ánh mọi mặt của cuộc sống thời hậu chiến.
Hay Giáo sư Phong Lê nhận xét: “Bến không chồng” có một vẻ đẹp khác trong khuôn hình cổ điển, mộc mạc và chân phương trong cốt truyện, trong cách dẫn dắt và ngôn từ - một ngôn từ không lấp lánh tài hoa mà giản dị, tự nhiên, và với ưu thế đó, “Bến không chồng” là tác phẩm khẳng định được ngay vị trí của nó trong lòng độc giả mà không hề gây tranh cãi”.
Tác phẩm đạt giải Hội Nhà Văn Việt Nam năm 1991 và được dịch ra nhiều thứ tiếng: Anh, Đức, Pháp, Ý; tác phẩm cũng được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh (phim nhựa và phim truyền hình).
Cơ hội của Chúa (Nguyễn Việt Hà): Tác phẩm đã được dịch sang tiếng Pháp và phát hành bởi NXB Riveneuve Edition vào tháng 2/2013 (bản tiếng Pháp do Đoàn Cẩm Thi dịch).
“Trong thời kỳ đổi mới xuất hiện nhiều tác phẩm mang cảm hứng phê phán rất mạnh. Có những quan điểm và giọng điệu phê phán rất khác nhau: xót xa và lo thương, căm uất và hằn học, tỉnh táo và điềm đạm… Cảm hứng phê phán mang tinh thần hài hước khoan hòa sẽ tạo một vị trí đặc biệt cho Nguyễn Việt Hà trong văn xuôi Việt Nam đương đại…” (Hoàng Ngọc Hiến).
Người đi vắng (Nguyễn Bình Phương): Ông là một hiện tượng độc đáo của văn học Việt Nam ở giai đoạn sau đổi mới. Trong hơn ba thập kỷ sáng tác, ông đã cho ra đời 10 cuốn tiểu thuyết và các tập thơ gây được nhiều tiếng vang. Một số tác phẩm của ông đã được dịch ra các ngôn ngữ: Anh, Nhật Bản, Trung Quốc, Thụy Điển, Hà Quốc, Pháp.
“Viết tức là trình ra một thế giới khác, nhưng từ thế giới này và có ích với thế giới này. Tôi quan sát, tôi trải nghiệm và tôi nghĩ về nó, tôi thấy nó là thế này chứ không phải là thế kia, tôi thấy trái tim đập dưới gót chân người ta chứ không phải ở lồng ngực và ý nghĩ nhìn thế giới chứ không phải đôi mắt nhìn thế giới” (Nguyễn Bình Phương).
Ông từng nhận giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam cho “Mình và họ” (2020), “Một ví dụ xoàng” (2021); Giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội cho “Buổi câu hờ hững” (thơ, 2013), “Mình và họ” (2015).
Vắng mặt (Đỗ Phấn): Ông là tên tuổi nổi bật của Mỹ thuật Việt Nam đương đại trước khi bắt đầu con đường viết lách. Vốn sống lịch lãm và sức viết dồi dào của ông đã ghi dấu ấn đậm nét trong mảng đề tài về Hà Nội, từ tản văn cho đến truyện ngắn, tiểu thuyết.
Theo Đoàn Ánh Dương, nhà nghiên cứu văn học: “Sẽ rất thú vị nếu đọc văn Đỗ Phấn trong (trí tưởng) những không gian đô thị còn tranh chấp, nơi vừa như muốn níu giữ một điều gì đó còn trong trẻo của xưa kia, vừa như phải vươn vào đời sống danh lợi tục tằn hiện tại…”.
Những đứa con rải rác trên đường(Hồ Anh Thái): Sách của nhà văn Hồ Anh Thái đã được dịch ra hơn mười thứ tiếng và ấn hành ở nhiều nước. Ông được bầu là chủ tịch Hội Nhà Văn Hà Nội hai nhiệm kỳ. Từng làm việc ở Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, được bổ nhiệm là phó đại sứ, đại biện lâm thời Việt Nam tại Iran và Indonesia. Ông được thỉnh giảng tại Đại học Washington và một số đại học nước ngoài.
Tập sách “Những đứa con rải rác trên đường” là một tiểu thuyết cấu thành từ ba truyện dài. Một lối viết hiện thực chen lẫn huyền ảo đã là phong cách của Hồ Anh Thái hơn chục năm nay, vậy mà vẫn có thể đọc liền một mạch và khó thể rời. Tác giả đã gói gọn nhiều sự kiện của từng thời vào trong một câu chuyện.
Dịp này, NXB Trẻ giới thiệu một loạt các tựa sách mới của các tác giả Hà Nội như: Nguyễn Việt Hà, Trần Chiến, Nguyễn Trương Quý, Nguyễn Nguyên Phước… Đồng thời, khởi động chương trình tri ân cho bạn đọc mua sách tại chi nhánh Hà Nội từ ngày 01 - 30/10/2022. Bạn đọc mua sách trực tiếp tại Chi nhánh Nhà xuất bản Trẻ sẽ được ưu đãi 30% dành cho sách và 10% cho truyện tranh (chương trình không áp dụng các chính sách khuyến mãi, thẻ vàng...). |