Nội chính

Quốc hội dành cả ngày thảo luận Luật Đất đai (sửa đổi)

Hải Long 03/11/2023 - 09:25

Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ngày 3/11, Quốc hội sẽ dành cả ngày để thảo luận về Luật Đất đai (sửa đổi).

Tiếp nối chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, cả ngày hôm nay (3/11), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Đầu phiên họp buổi sáng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Sau đó, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật. Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

quoc-hoi-2.png
Quốc hội dành cả ngày để thảo luận các ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Nhìn chung, sau 10 năm thực hiện Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý, sử dụng đất đai đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến hai lần tại Kỳ họp thứ 4, thứ 5 và được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ tổ chức họp nhiều lần để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo và đã được đưa ra xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Tại phiên thảo luận tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ tập trung góp ý sâu vào những vấn đề lớn, trọng tâm hoặc còn ý kiến khác nhau được nêu trong báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đối với các nội dung có thiết kế 2 phương án, Quốc hội tiếp tục phân tích rõ ưu, nhược điểm, tác động của từng phương án, xem xét khách quan, toàn diện để lựa chọn phương án tối ưu, đảm bảo chất lượng, tính ổn định, dài hạn của Luật này khi được Quốc hội thông qua.

Việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Các Đại biểu Quốc hội nhận định rằng, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi nhận được sự quan tâm của cử tri cả nước. Đây là dự thảo Luật có nhiều ý kiến đóng góp xác thực nhất về: Quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm sử dụng, quản lý, chuyển nhượng, giao dịch mua bán đến thuế, phí...

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, có nhiều điểm đổi mới phù hợp với các quan điểm, định hướng đổi mới chính sách pháp luật về đất đai theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao."

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội dành cả ngày thảo luận Luật Đất đai (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO