Ngày 8/12, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cùng các ngành chức năng đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tại một số điểm nóng trên địa bàn tỉnh.
Tính đến 7/12, toàn tỉnh đã xảy ra 27 ổ dịch tại 7 huyện, thị xã, thành phố với tổng số lợn mắc bệnh, buộc tiêu hủy là 1.595 con lợn; trọng lượng tiêu hủy 73.739kg.
Sau khi ổ dịch đầu tiên xảy ra vào ngày 26/10 tại xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong và xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị thì liên tiếp xuất hiện các ổ dịch tại các địa phương khác. Riêng tại huyện Triệu Phong, dịch bệnh đã xảy ra tại 268 hộ, 60 thôn với tổng số 1.383 con lợn bị bệnh, chết buộc phải tiêu hủy với tổng trọng lượng 63.451 kg. Đến nay, dịch đã xuất hiện 18 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Ngay sau khi có thông tin về dịch bệnh xuất hiện, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương tổ chức các đoàn công tác kiểm tra công tác phòng, chống tại các nơi có dịch.
Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Tổ chức lấy mẫu xác định nguyên nhân gây bệnh. Phối hợp với các địa phương tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết, lợn có kết quả xét nghiệm dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi theo quy định. Cấp 2.650 lít hóa chất cho các địa phương để khử trùng tiêu độc. Phân công cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn, hướng dẫn các địa phương kịp thời xử lý các ổ dịch...
Đến nay, đã có 3 xã của 3 huyện (xã Triệu An, huyện Triệu Phong; xã Mò Ó, huyện Đakrông; xã Tân Long, huyện Hướng Hóa) đã qua 21 ngày không phát sinh lợn bệnh.
Tại chuyến kiểm tra, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng chỉ đạo ngành nông nghiệp cùng các đơn vị liên quan, địa phương triển khai hiệu quả, quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi mà địa phương, Trung ương đã ban hành. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cần thực hiện lúc này; quyết tâm khống chế dịch bệnh trong thời gian nhanh nhất, đảm bảo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững, cải thiện đời sống nhân dân.
Tăng cường công tác giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp lợn có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y có hướng xử lý kịp thời. Xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch lây lan diện rộng.
Khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn lợn. Hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất xử lý môi trường khu vực chuồng nuôi và khu vực có nguy cơ cao; đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học…
Lãnh đạo UBND tỉnh cũng lưu ý, dịch tả lợn châu Phi dễ lây lan qua nhiều con đường khác nhau, ngành chức năng và các địa phương cần tăng cường thông tin tuyên truyền, vận động người chăn nuôi thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định của cơ quan thú y.