Môi trường

Quảng Ninh: Hai người bị nhiễm vi khuẩn Whitmore

Hải Long 26/09/2024 - 14:20

Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) hiện đang điều trị cho hai bệnh nhân mắc bệnh Whitmore, một căn bệnh có thể phát sinh khi con người tiếp xúc với bùn, đất, hoặc nước bị ô nhiễm bởi vi khuẩn gây bệnh.

Hiện tại, Khoa Bệnh Nhiệt đới của Bệnh viện Bãi Cháy đang điều trị cho hai bệnh nhân nhiễm bệnh Whitmore trong đó, bệnh nhân Lý V.H. (52 tuổi, ở xã Thống Nhất, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) có tiền sử khỏe mạnh, nhập viện trong tình trạng sốt rét run và mệt mỏi. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị nhiễm khuẩn nặng do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (gây bệnh Whitmore). Các bác sĩ đã điều trị bằng kháng sinh đường tĩnh mạch theo phác đồ. Sau hơn 10 ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định và chỉ số nhiễm trùng có dấu hiệu cải thiện.

yte2.jpg
Bác sĩ khám cho bệnh nhân.

Bệnh nhân thứ hai là Phạm T.T. (39 tuổi, cũng ở xã Thống Nhất, TP. Hạ Long). Bệnh nhân có tiền sử mắc đái tháo đường tuýp 1 và đang điều trị bệnh Whitmore tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc.

Trước khi nhập viện, bệnh nhân có biểu hiện khó thở, mệt mỏi kéo dài và sốt cao. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị toan chuyển hóa nặng kèm viêm phổi. Trong quá trình điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân rơi vào tình trạng sốc nhiễm khuẩn. Kết quả xét nghiệm xác định bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, tình trạng tiên lượng nặng.

Sau 6 ngày điều trị tích cực với thuốc kháng sinh, vận mạch..., bệnh nhân đã thoát sốc, các chỉ số sinh tồn ổn định và giảm sốt.

Bác sĩ CKI Trần Quốc Tuấn - Phó Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, các bệnh nhân nhiễm bệnh Whitmore phải nhập viện điều trị đợt này đều từng tiếp xúc với nước, bùn lầy trong quá trình khắc phục phục thiên tai, dọn dẹp, vệ sinh môi trường sống sau ảnh hưởng của bão số 3. Triệu chứng biểu hiện là sốt cao, rét run kéo dài nhiều ngày, tình trạng nhiễm trùng nặng, cấy máu phát hiện vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei (whitmore).

Bệnh Whitmore có biểu hiện về lâm sàng rất đa dạng, có thể diễn biến theo hướng cấp tính hoặc bán cấp tính nên đôi khi thầm lặng, tổn thương rất nhiều cơ quan. Bệnh nhân có thể bị viêm phổi, viêm mô mềm, viêm xương đùi, viêm khớp háng, áp xe đa ổ, áp xe tại các cơ quan như cơ, gan, lách, thận, viêm màng não nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn...

Tỷ lệ tử vong tương đối cao nếu không điều trị kịp thời. Những người có bệnh nền như đái tháo đường, suy thận, bệnh gan, bệnh phổi mạn tính, người suy giảm miễn dịch có nguy cơ cao mắc bệnh.

Thời kỳ ủ bệnh của Whitmore thường từ 1- 21 ngày, có thể kéo dài và khó chẩn đoán. Việc điều trị bệnh Whitmore trên từng trường hợp bệnh nhân sẽ có phương pháp, phác đồ điều trị thời gian khác nhau. Điều trị bằng thuốc bây giờ chủ yếu chia thành 2 giai đoạn - giai đoạn tấn công và giai đoạn duy trì.

Ở giai đoạn tấn công, bệnh nhân được điều trị bằng tiêm thuốc kháng sinh đường tĩnh mạch từ 4 đến 6 tuần, thậm chí là 8 tuần với những trường hợp bệnh nặng, sốc nhiễm trùng. Tiếp đó, bệnh nhân về nhà phải duy trì kháng sinh đường uống trong vòng từ 3 đến 6 tháng. Bệnh Whitmore đặc biệt có thời gian điều trị kéo dài, nên cần sự tuân thủ điều trị và bệnh nhân phải tái khám thường xuyên để đánh giá về nguy cơ, diễn biến và tác dụng phụ của thuốc nếu có.

Sau thời gian mưa lũ, vô số vi sinh vật, rác bẩn, chất thải… theo dòng nước, bùn, đất làm gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh trong cộng đồng. Vì vậy, theo khuyến cáo của bác sĩ, khi bệnh nhân có các vết loét ở ngoài da, các triệu chứng như sốt cao kéo dài, mệt mỏi, nhức mỏi tay chân, ho, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, đi ngoài phân lỏng … cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh: Hai người bị nhiễm vi khuẩn Whitmore
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO