Đời sống

Nỗi niềm cụ bà bị thu hồi Huy chương kháng chiến

Văn Kỳ 21/11/2024 - 21:34

Cụ Ẩn là người được trao tặng Huy chương kháng chiến hạng Nhất và được hưởng chế độ chính sách Nhà nước. Năm 2016, cụ Ẩn bất ngờ bị thu hồi Huy chương...

Đồng đội xác nhận hoạt động cách mạng

Cụ là Dương Thị Ngọc Ẩn (sinh năm: 1947, trú tại xã Phong Nẫm, TP Phan Thiết, Bình Thuận), người được biết đến với vụ việc bị thu hồi Huy chương kháng chiến hạng Nhất gây xôn xao dư luận địa phương. Gặp chúng tôi, cụ bà không giấu được nỗi buồn, xen lẫn sự uất ức vì ở cái tuổi gần đất xa trời cụ bị tiếng “khai man”.

ba-an(1).png
Cụ Ẩn trình bày với PV.

Cụ nói: “Năm 1963, tôi tham gia hoạt động cách mạng với bí danh là Lê Thị Ngọc Vân do Anh hùng Lực lượng vũ trang Đặng Văn Lãnh chỉ huy và được giao nhiệm vụ làm Cơ sở mật từ năm 1963 đến năm 1972 (khi ông Lãnh hy sinh). Tôi được giao: Vận động thanh niên tòng quân nhập ngũ; Kết nạp thiếu niên vào Đội Thanh niên Tiền phong; Tiếp tế lương thực và nhu yếu phẩm; Rải truyền đơn tuyên truyền cho cách mạng... Chức vụ của tôi là Tổ trưởng Cơ sở mật nội tuyến trong lòng địch tại xã Hàm Tiến, Phan Thiết, Bình Thuận”.

Trong thời gian hoạt động cách mạng, cụ Ẩn được Anh hùng Lực lượng vũ trang Đặng Văn Lãnh trực tiếp chỉ huy. Ngoài ra, theo cụ Ẩn, còn có cụ Nguyễn Thị Kim Lan (bí danh Năm Nuôi, cấp trên, thuộc lực lượng quân báo) cũng thường xuyên làm việc trực tiếp, chỉ đạo và giao cho cụ thực hiện nhiều công việc. Cụ Ẩn và cụ Lan làm việc với nhau từ năm 1965 đến 1974. Tổ của cụ Ẩn có 05 người, gồm: Lê Thị Năm hiện đang hưởng chế độ Bệnh binh; Nguyễn Thị Lưỡng (hy sinh chiều mùng 4 tết Mậu Thân 1968); Trương Thị Như đang được hưởng chế độ tù đày; Dương Thị Bảy qua đời do bệnh năm 1968; Nguyễn Thị Chín tiếp tế lương thực bộ đội. Bà Nguyễn Thị Lưỡng là tổ viên của cụ Ẩn đã hy sinh, khi đang tiếp nhận các chiến sĩ bị thương thì bị máy bay Mỹ oanh tạc.

Cụ Ẩn kể tiếp: “Cuối năm 1972, đồng chí Bảy Lãnh hy sinh, đồng chí Nguyễn Thị Kim Vân, Nguyễn Thị Lựu (bí danh Hai Kính), Nguyễn Thị Lài (bí danh Ba Chúc) trực tiếp làm việc với tôi nắm tình hình địch. Các chị cùng tôi hoạt động “Cơ sở mật” giữ vai trò cán bộ chủ chốt của xã Hàm Hiệp và Hàm Tiến, tất cả đều gọi nhau bằng bí danh cho đến ngày đất nước thống nhất”.

Cụ bà kể rành rọt từng sự kiện, mốc thời gian, tên cấp trên của mình cho phóng viên. Cụ nói, không chỉ nhà báo, mà tất cả cơ quan chức năng đến làm việc nhiều năm qua cụ vẫn kể như vậy, vẫn duy nhất một sự thật, có sao cụ nói vậy.

Theo chính sách Nhà nước về việc cho lập hồ sơ công nhận Người có công, ngày 18/03/1998, cụ Ẩn được các bà: Nguyễn Thị Kim Vân, Nguyễn Thị Thà, Nguyễn Thị Kim Lan, Lê Thị Lan, Lê Thị Năm và ông Nguyễn Văn Dũng ký xác nhận quá trình hoạt động cách mạng. Ngày 13/3/2001, cụ Ẩn nhận được quyết định của Chủ tịch nước tặng thưởng Huy chương kháng chiến hạng Nhất. Từ đó, cụ nằm trong danh sách người có công ở địa phương và hưởng chế độ theo quy định.

Cảm giác của người bị thu hồi

Nhưng đúng 14 năm sau (2015), có đơn phản ánh gửi đến chính quyền đề nghị xem lại hồ sơ đề nghị khen thưởng Huy chương của cụ Ẩn. Năm 2016, cụ Ẩn bị thu hồi Huy chương kháng chiến hạng Nhất.

phong-vien-lam-viec-voi-ba-an-ba-nam.jpg
Những cụ bà là đồng đội, là nhân chứng sống xác nhận về quá trình hoạt động của cụ Ẩn.

Cụ Ẩn cho rằng, ở cái tuổi sống nay, chết mai, cụ không đấu tranh vì Huy chương mà cụ sợ cái tiếng “khai man”. Năm 2017, cụ đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng từ địa phương đến Trung ương đề nghị xem xét lại sự việc.

Về nhân chứng, những đồng đội cụ Ẩn còn sống cho rằng, việc cụ Ẩn bị thu hồi Huy chương cần được xem xét lại. Cụ Nguyễn Thị Kim Lan, đồng đội và là cấp trên của cụ Ẩn nói: “Tôi là người từng hoạt động chung với chị Ẩn, từng giao chị Ẩn thực hiện nhiệm vụ xây dựng phong trào Đoàn Thanh niên, Thiếu niên Tiền phong và rải truyền đơn cho cách mạng. Tôi sẵn sàng đứng ra làm chứng”.

Cụ Lê Thị Năm, hiện ngụ xã Phong Nẫm, Phan Thiết (đồng đội cụ Ẩn) nói: Tôi tham gia cách mạng từ năm 1963 đến 1968, chị Ẩn là cấp trên của tôi thường giao nhiệm vụ cho tôi tiếp lương, tải thương, nấu cơm vắt cho bộ đội...

Văn Kỳ