10 tháng qua sản xuất công nghiệp tăng 8,3%
10 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 10 vừa qua toàn ngành tăng 4% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2024 ước tăng 4% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 8,8%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,9%; riêng ngành khai khoáng giảm 10,4%;
10 tháng qua IIP ước tính tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,5%).
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,6% (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,5%), đóng góp 8,3 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,3%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,5%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 7,2%, làm giảm 1,1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
10 tháng qua ghi nhận một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp 2 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 26,3%; giường, tủ, bàn, ghế tăng 24,8%; than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 16,0%; hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 14,6%; xe có động cơ tăng 14%; dệt tăng 12,1%; sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 11,9%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 11,4%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 8,8%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 7,5%.
Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành tăng thấp hoặc giảm như: Sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 3,0%; đồ uống tăng 0,9%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,8%; khai thác than cứng và than non giảm 5,9%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 3,9%; sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 0,4%.
Ở các địa phương, chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng so với cùng kỳ năm ngoái tăng ở 59 tỉnh, 4 tỉnh còn lại ghi nhận giảm. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện; ngành khai khoáng tăng cao.
Cụ thể, các tỉnh tăng cao so với cùng kỳ là: Lai Châu tăng 43,9%; Phú Thọ tăng 40,7%; Bắc Giang tăng 27,7%; Thanh Hóa tăng 19,5%; Quảng Nam tăng 19,3%; Trà Vinh tăng 6,6%; Điện Biên tăng 5,7%.
Tỉnh có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng mạnh: Khánh Hòa tăng 175,2%; Điện Biên tăng 57,1%; Cao Bằng tăng 48,5%; Trà Vinh tăng 48,3%; Lai Châu tăng 42,7%; Sơn La tăng 39,6%; Thanh Hóa tăng 21,9%. Địa phương có chỉ số của ngành khai khoáng tăng cao: Cao Bằng tăng 30,0%; Thanh Hóa tăng 14,0%; Trà Vinh tăng 6,0%.
Một số tỉnh ghi nhận có chỉ số tăng thấp hoặc giảm như: Bạc Liêu tăng 4,9%; Đắk Nông tăng 2,8%; Hà Tĩnh giảm 5,3%; Gia Lai giảm 1,8%; Quảng Ngãi giảm 1,6%.
Địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng thấp hoặc giảm: Quảng Trị tăng 2,3%; Bạc Liêu tăng 0,7%; Lạng Sơn giảm 16,7%; Quảng Ngãi giảm 8,6%; Lâm Đồng giảm 5,0%; Gia Lai giảm 1,5%.