Môi trường

Giá điện tăng 4,8%

PV 12/10/2024 - 08:19

Chiều 11-10, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông tin về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện. Theo Quyết định số 1046/QĐ-EVN của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, từ ngày 11-10-2024, giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 2.006,79 đồng, lên 2.103,11đồng/1kWh (chưa gồm thuế giá trị gia tăng), tương đương mức tăng 4,8%.

Lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam chủ trì buổi trao đổi thông tin về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện, chiều 11-10.

Trao đổi vào chiều 11-10 về quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện, Phó Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Xuân Nam cho biết, việc điều chỉnh giá bán lẻ căn cứ theo Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và Thông tư số 09/2024/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định tính toán giá bán điện bình quân, để bảo đảm cân đối, hài hòa lợi ích doanh nghiệp, không làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Về đánh giá tác động của việc tăng giá điện đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ông Nguyễn Xuân Nam cho hay, mức tác động khoảng 0,04% là rất thấp, đã được Chính phủ và các bộ, ngành cân đối để không ảnh hưởng đến CPI.

Về ảnh hưởng đối với người dân, khách hàng khi thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ điện, đại diện EVN cho biết, việc tác động phụ thuộc vào mức tiêu thụ và hành vi sử dụng điện của từng nhóm. Cụ thể: Đối với các hộ sử dụng điện dưới 50kWh (chiếm 11,51% số hộ sinh hoạt), mức tiền điện tăng khoảng 4.350 đồng/hộ/tháng. Đối với nhóm khách hàng sử dụng từ 51-100 kWh (chiếm 15,53% số hộ sinh hoạt), mức tăng tiền điện tăng khoảng 8.850 đồng/hộ/tháng. Đối với nhóm khách hàng sử dụng từ 101-200kWh (chiếm 34,31% số hộ sinh hoạt, đang là nhóm khách hàng lớn nhất), mức tăng tiền điện tăng khoảng 19.250 đồng/hộ/tháng. Đối với nhóm khách hàng sử dụng điện từ 201-300kWh (chiếm 18,5% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 32.350 đồng/hộ/tháng. Đối với khách hàng sử dụng điện từ 301-400kWh (chiếm khoảng 8,87% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 47.050 đồng/hộ/tháng. Đối với khách hàng sử dụng điện từ 400kWh trở lên (chiếm khoảng 11,28% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 62.150 đồng/hộ/tháng.

Hiện tổng số khách hàng sinh hoạt sử dụng điện từ 200kWh/tháng trở xuống là 17,41 triệu hộ, tương ứng với 61,35% tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt. Theo tính toán, tiền điện tăng thêm bình quân của mỗi hộ tiêu thụ từ 200kWh/tháng trở xuống là 13.800 đồng/hộ. "Như vậy, mức tác động đến khách hàng sinh hoạt phổ biến (tiêu thụ dưới 200kWh/tháng) ở mức vừa phải" - ông Nguyễn Xuân Nam khẳng định.

Về ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá bán lẻ điện đối với khách hàng kinh doanh dịch vụ, hộ sản xuất, xí nghiệp, đại diện EVN cũng chia sẻ, với 547.000 khách hàng kinh doanh dịch vụ đang sử dụng điện, mỗi hộ chịu mức tăng thêm bình quân 247.000 đồng/tháng. Với 1,921 triệu hộ sản xuất, tiền điện tăng khoảng 499.000 đồng/tháng. Với 691 khách hàng hành chính sự nghiệp, tiền điện sau điều chỉnh tăng thêm 91.000 đồng/tháng.

Giá bán điện đang thấp hơn chi phí sản xuất

Trước đó (ngày 10-10), Bộ Công Thương công bố nội dung về kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN. Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) Nguyễn Thế Hữu cho biết, để bảo đảm khách quan, minh bạch, đoàn kiểm tra được thành lập gồm đại diện các bộ, ngành, hiệp hội liên quan và nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực điện lực. Đoàn đã kiểm tra thực tế tại EVN và các đơn vị thành viên, các tổng công ty điện lực, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia... Kết quả kiểm tra cho thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh điện năm 2023 và các hoạt động liên quan của EVN (thu nhập từ hoạt động tài chính và từ tiền bán công suất phản kháng) lỗ 21.821,56 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).

PV