Môi trường

Kinh hãi lưu huỳnh rơi vãi trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Diệp Lâm Anh 22/09/2024 - 08:31

Theo video bạn đọc chia sẻ, khoảng 6h ngày 18/9, nhiều ô tô đang lưu thông trên tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai hoảng sợ khi nhìn thấy cảnh tượng rất nhiều lưu huỳnh rơi vãi ra đường, kéo dài vài trăm mét.

Qua tìm hiểu của PV, chiếc xe làm rơi vãi lưu huỳnh này được lấy từ một bến bãi nội thủy trên địa bàn xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Sau khi được bốc đầy hàng, chiếc xe này xuất phát từ bến đi vào nút giao Trạm thu phí Văn Quán (IC6) thuộc tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, chở đến khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Khi đến KM210 thì chiếc xe này bị bật rào, đổ đầy ra đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và ô nhiễm môi trường.

Trao đổi với PV, một cán bộ phụ trách tuyến cao tốc Nội Bài- Lào Cai thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam xác nhận sự việc. Sau khi đội tuần tra phát hiện ra việc lưu huỳnh bị đổ trên đường nên đã tiến hành khắc phục và dọn dẹp xong vào ngay buổi sáng ngày 18/9. Khi đó, tài xế và xe làm vương vãi đã di chuyển.

Clip ghi lại cảnh lưu huỳnh rơi vãi ra đường tại KM210 trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai sáng ngày 18/9.

Được biết, lưu huỳnh công nghiệp là hóa chất, phải tuân thủ các quy định trong quá trình vận chuyển, lưu kho bãi được quy định tại Quy chuẩn 05 của Bộ Công Thương về an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển hóa chất.

Lưu huỳnh nằm trong danh mục hàng hóa nguy hiểm, có khả năng gây độc tới môi trường và sức khỏe con người khi tiếp xúc. Những quy định này nhằm hạn chế tối thiểu những sự cố hóa chất, sự cố môi trường trong quá trình lưu kho, vận chuyển và sản xuất. Ở các nước khác, quy định rất rõ lưu huỳnh không được lộ thiên mà phải được cất giữ trong bồn kín. Trong quá trình vận chuyển, nhiệt độ, bao gói cũng được kiểm soát chặt chẽ.

Thực chất lưu huỳnh vô cùng độc hại, khi ngấm vào nguồn nước, nó có thể gây nguy hiểm, gây ngộ độc và chết cho các sinh vật sống như tôm, cua, cá, ngao, sò,... Nếu con người ăn phải những sinh vật nhiễm lưu huỳnh thì cũng có nguy cơ bị nhiễm độc gián tiếp.

Ngoài ra, khi đốt lưu huỳnh ở nhiệt độ cao, khí độc SO2 sẽ được hình thành, gây ô nhiễm không khí. Đây cũng là một trong những tác nhân gây biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính, mưa axit… Nhiều chuyên gia cảnh báo, bụi lưu huỳnh hoặc khí SO2 khi xâm nhập vào phổi, tim, mắt, họng, tai… nhẹ thì gây ngạt mũi, đau đầu, nặng hơn có thể gây khó thở, viêm phế quản, thậm chí có thể khiến ngộ độc máu, tử vong.

7bf4882e4d5deb03b24c.jpg
Hiện trường vụ việc.

Căn cứ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 05A:2020/BCT về an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển hóa chất nguy hiểm, khi bốc xếp, vận chuyển hóa chất nguy hiểm, xe phải có thùng, bồn chứa chuyên dụng hoặc có mui, bạt che tránh mưa, nắng. Bạt che phủ phải kín toàn bộ phần hóa chất được vận chuyển, đảm bảo không tiếp xúc nước mưa, ánh sáng mặt trời trực tiếp và ngăn hóa chất rò rỉ, rơi vãi trên đường…

Diệp Lâm Anh