Doanh nghiệp

Nguyên nhân khiến Tupperware nộp đơn xin phá sản

PV 21/09/2024 - 16:31

Tupperware, thương hiệu hàng gia dụng nổi tiếng, đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản sau nhiều năm vật lộn với kết quả kinh doanh yếu kém và chưa có sự kết nối mạnh mẽ với người tiêu dùng trẻ tuổi.

Tupperware là công ty chuyên sản xuất các đồ dùng nhà bếp, vốn thống trị thị trường lưu trữ thực phẩm toàn cầu trong nhiều thập kỷ. Theo Bloomberg, hãng đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản sau nhiều lần bị cảnh báo về khả năng duy trì hoạt động kể từ năm 2020.

Tháng 4, trong một báo cáo nộp lên Ủy ban chứng khoán Mỹ, hãng cho biết, công ty đang nghi ngờ khả năng tiếp tục hoạt động trong thời gian tới và phải làm việc với các cố vấn tài chính để tìm ra cách giải quyết. Đến tháng 6 năm nay, công ty đã lên kế hoạch đóng cửa nhà máy duy nhất tại Mỹ và sa thải gần 150 nhân viên.

Việc nộp đơn xin phá sản diễn ra sau nhiều tháng đàm phán giữa Tupperware và các chủ nợ về cách giải quyết các khoản vay hơn 700 triệu USD. Các chủ nợ đã đồng ý cho công ty thêm thời gian để giải quyết khoản nợ, nhưng hoạt động kinh doanh vẫn tiếp tục xấu đi.

"Trong vài năm qua, tình hình tài chính của công ty đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi môi trường kinh tế vĩ mô đầy thách thức", bà Laurie Goldman, giám đốc điều hành của Tupperware, cho biết trong một thông cáo báo chí.

a-nh-ma-n-hi-nh-2024-09-18-lu-c-14-59-20-20240918150121.png.jpeg
Tupperware chuyên sản xuất các đồ dùng nhà bếp và từng thống trị thị trường lưu trữ thực phẩm toàn cầu

Từ năm 1946, ông Earl Tupper, người sáng lập Tupperware, đã giới thiệu các sản phẩm nhựa của mình đến công chúng, và được cấp bằng sáng chế cho mẫu hộp nhựa kín.

Trước khi phá sản, Tupperware đã có đợt tăng trưởng doanh thu ngắn trong đại dịch, khi người dân tăng cường nấu ăn tại nhà và cần các loại hộp nhựa kín để bảo quản thực phẩm.

Việc chi phí nguyên liệu thô như nhựa tổng hợp, cũng như nhân công và vận chuyển tăng sau đại dịch đã làm giảm lợi nhuận của Tupperware.

Các chuyên gia cho rằng Tupperware đang gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các đối thủ, khi số lượng đại lý bán hàng giảm mạnh, khách hàng giảm mua sắm các sản phẩm gia dụng, và thương hiệu này chưa có sự kết nối mạnh mẽ với người tiêu dùng trẻ tuổi.

Sau đợt bùng nổ mua sắm hậu đại dịch, các hãng bán lẻ gần đây đang phải chật vật vì lạm phát tăng cao. Những sản phẩm giá trị lớn, không thiết yếu, nhanh chóng bị loại khỏi danh sách mua sắm của nhiều hộ gia đình tại Mỹ.

Lạm phát của Mỹ hiện ở mức gần 3%, giảm đáng kể so với mức 9% giữa năm 2022, nhưng vẫn cao hơn mục tiêu 2% mà giới chức nước này đưa ra.

PV