Sơ thẩm vụ án Trương Mỹ Lan giai đoạn 2
Sáng 19/9/2024, Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 33 đồng phạm.
Bị cáo Trương Mỹ Lan cùng 33 bị cáo khác bị xét xử về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Trong đó, bị cáo Trương Mỹ Lan bị xét xử cả 3 tội danh trên.
Bị cáo Chu Lập Cơ (Chu Nap Kee Eric, chồng bị cáo Lan) bị đưa ra xét xử về tội rửa tiền. Bị cáo Trương Huệ Vân (cháu bị cáo Lan) bị đưa ra xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Để chuẩn bị cho phiên xét xử, TAND TP.HCM đã dựng rạp, bố trí ghế ngồi ở sân tòa cho gần 1.000 người, gồm: người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và luật sư, lực lượng hỗ trợ phiên tòa.
Phiên tòa do thẩm phán Nguyễn Thị Hà - Phó chánh tòa Hình sự, TAND TP.HCM làm chủ tọa. Hợp thành HĐXX 5 người còn có thẩm phán Vũ Hoài Nam và 3 hội thẩm nhân dân.
Đại diện VKSND TP.HCM giữ quyền công tố tại tòa có 5 kiểm sát viên, gồm: các ông Vũ Tất Ba, Đào Lê Văn, Nguyễn Hồng Hiệp; các bà Bùi Thanh Hằng và Lê Trương Hà Linh.
Theo cáo trạng, bà Trương Mỹ Lan đã họp bàn với các nhân sự chủ chốt của tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB để sử dụng bốn công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (An Đông, Quang Thuận, Sunny World và Setra) phát hành 25 mã trái phiếu “khống”.
25 mã trái phiếu được phát có giá trị là 30.869 tỉ đồng. Số tiền thu về, bà Lan đã chỉ đạo cấp dưới dùng nhiều phương pháp để rút tiền ra khỏi SCB sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau dẫn đến mất khả năng chi trả cho người mua trái phiếu.
Ở tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, từ năm 2012-2020, 23 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã thực hiện chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài về Việt Nam trái quy định với tổng số tiền là 4,5 tỉ USD, tương đương hơn 106.000 tỉ đồng. Trong đó, tiền chuyển ra nước ngoài là 1,5 tỉ USD, tiền nhận từ nước ngoài là 3 tỉ USD.
Ở tội rửa tiền, cáo buộc xác định 445 triệu tỉ đồng là số tiền được Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm dùng nhiều phương thức để cắt đứt dòng tiền do phạm tội mà có. Trong đó, hơn 415.000 tỉ đồng là "rút ruột" từ SCB và 30.000 tỉ đồng là lừa đảo chiếm đoạt của nhà đầu tư thông qua phát hành trái phiếu.