Sạt lở trong đêm, dân làng gốm cổ Hà Nội "cầu cứu"
Người dân làng gốm cổ ở Hà Nội "cầu cứu" cơ quan chức năng sớm tìm nguyên nhân và khắc phục hậu quả của vụ sạt lở nghiêm trọng diễn ra tại xã Kim Lan, huyện Gia Lâm trong thời gian vừa qua.
Nước sông Hồng (đoạn chảy qua làng gốm cổ, xã Kim Lan, huyện Gia Lâm) đã khiến nơi đây bị sạt lở. Vụ việc xảy ra làm một số công trình nhà xưởng bị cuốn trôi xuống lòng sông, đồng thời đe dọa tính mạng của không ít hộ dân đang sinh sống gần khu vực này.
Vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi sự việc xảy ra, ông Nguyễn Xuân Hà (xóm 4 mới), cho biết gia đình ông mất 5 mét vuông đất và một công trình nhà xưởng sản xuất xuống lòng sông. “Năm nay 60 tuổi, sinh ra và lớn lên tại bờ sông này, cũng chứng kiến rất nhiều vụ sạt lở rồi nhưng nó chỉ sạt lở ở mức độ vừa phải thôi. Mấy ngày vừa qua, khi tôi ngủ dậy lúc 4h30 , đã thấy sạt lở mất hoàn toàn hệ thống lán trại đang sản xuất tượng tô thạch cao, chi phí khoảng mấy chục triệu đồng”.
Còn theo chị Đỗ Thị Trang Nhung, ngay khi xảy ra sự việc, gia đình đã gọi điện báo cáo chính quyền. "Việc sạt lở đã và đang ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của xưởng. Mọi người ở đây đang dừng, không sản xuất nữa và phải chuyển sang kho khác để đảm bảo an toàn, vì kho hàng đang có hiện tượng bị sụt lún”, chị Nhung bất an.
Ngay sau khi nhận được thông tin, UBND xã Kim Lan đã khẩn trương có mặt tại hiện trường, tiến hành khảo sát và nhanh chóng đưa ra phương án để bảo đảm an toàn cho người dân.
Theo đó, xã đã lên kế hoạch di dời các hộ dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở đến nơi an toàn. Cụ thể, hai tổ công tác đã được điều động, túc trực ngày đêm để hỗ trợ người dân kịp thời khi có dấu hiệu sạt lở và cắm biển cảnh báo nhằm đảm bảo an toàn cho khu vực lân cận. Tuy nhiên, những biện pháp tạm thời này vẫn chưa thể giải quyết triệt để vấn đề, người dân vẫn phải sống trong lo lắng trước nguy cơ sạt lở có thể tái diễn bất cứ lúc nào.
Theo phán đoán của ông Nguyễn Xuân Hà, nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở nghiêm trọng này có thể bắt nguồn từ hoạt động khai thác cát trái phép. Nó làm sụt lún chân đê và gây mất ổn định dòng chảy của sông, dẫn tới tình trạng mất đất diễn ra phức tạp.
Được biết, khu vực sạt lở bờ sông hiện không có mỏ khai thác cát được cấp phép. Do đó, việc xác định nguyên nhân cần được các cơ quan chức năng tiến hành điều tra làm rõ để có biện pháp khắc phục, đảm bảo an toàn cho tài sản và tính mạng của người dân.