Nội chính

Chánh án Nguyễn Hòa Bình quán triệt Luật Tổ chức Tòa án nhân dân

Nguyên Anh 10/08/2024 - 16:42

Tòa án nhân dân tối cao vừa tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến về một số nội dung mới của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chủ trì Hội nghị.

Hội nghị được kết nối trực tiếp đến gần 800 điểm cầu trong toàn hệ thống Tòa án nhân dân.

Quán triệt tại Hội nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình giới thiệu về những nội dung của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), trong đó tập trung về những nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật.

Trên cơ sở kế thừa Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 và tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm, trí tuệ tư pháp của khu vực và thế giới, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) đã bổ sung, sửa đổi những quy định, cụ thể:

Bổ sung 2 nhiệm vụ, quyền hạn đối với Tòa án

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân, Luật bổ sung 2 nội dung quan trọng là: Xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật và Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc (các Điều 3, 27 và 31).

Đồng thời, không quy định nhiệm vụ, quyền hạn Tòa án có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa. Điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trọng việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính.

chanh-an.jpg
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình quán triệt tại Hội nghị.

Thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) quy định, thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt (các Điều 4, 62 và 63). Theo đó, để đảm bảo tính chuyên môn hóa và sự chuyên sâu trong hoạt động xét xử vụ việc về sở hữu trí tuệ, phá sản; bảo đảm tính độc lập của Thẩm phán, Hội thẩm khi xét xử các vụ án hành chính, Luật bổ sung quy định về việc thành lập các Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Hành chính, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Sở hữu trí tuệ, Tòa án nhân dân chuyên biệt Phá sản.

Theo đó, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Sở hữu trí tuệ sẽ được thành lập tại Hà Nội; Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Hành chính được thành lập tương ứng với địa hạt hành chính của các Tòa án nhân dân cấp cao; và thành lập 2 Tòa án nhân dân chuyên biệt Phá sản.

Quy định 2 ngạch Thẩm phán

Về ngạch, bậc Thẩm phán, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) theo hướng quy định Thẩm phán gồm 2 ngạch là Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Thẩm phán Tòa án nhân dân (Điều 90).

Về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân (các Điều 94, 95): Bổ sung tiêu chuẩn về độ tuổi (từ đủ 28 tuổi trở lên).

Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (Điều 96): Đáng chú ý, Luật bổ sung trường hợp luật sư, giảng viên đại học có trình độ cao về pháp luật, giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị- xã hội- nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, bảo đảm quy trình theo quy định thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

chanh-an-2.jpg
Toàn cảnh Hội nghị.

Về nhiệm kỳ của Thẩm phán (Điều 100), Luật quy định, Thẩm phán Tòa án nhân dân được bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ 05 năm, Thẩm phán Tòa án nhân dân được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.

Ngoài ra, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) quy định nhiều điểm mới, về những nội dung: Hội thẩm nhân dân; Bảo đảm nguyên tắc độc lập của Thẩm phán; Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; Chế độ đối với Thẩm phán, cán bộ Tòa án nhân dân…

Trong chương trình của Hội nghị, các đại biểu trong toàn hệ thống Tòa án nhân dân cũng đã được nghe nội dung về nâng cao nhận thức về an toàn thông tin, an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu, bí mật nhà nước cho cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống Tòa án.

Nguyên Anh