Việt Nam - Ấn Độ tăng cường Đối tác Chiến lược Toàn diện trên tinh thần "5 hơn"
Trên cơ sở nền tảng vững chắc của 52 năm phát triển quan hệ song phương, trong bối cảnh thế và lực mới của hai nước cũng như đứng trước những biến chuyển nhanh chóng của tình hình khu vực và thế giới, các nhà lãnh đạo hai nước khẳng định quyết tâm tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ trong những năm tiếp theo, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân hai nước.
Theo đó, hai bên tăng cường hơn nữa quan hệ trong các lĩnh vực truyền thống như quốc phòng - an ninh, thương mại - đầu tư, văn hóa - giáo dục và mở rộng những lĩnh vực hợp tác mới về kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, gia tăng thương mại và đầu tư hai chiều, đẩy mạnh và làm sâu sắc hợp tác về khoa học - công nghệ. Chuyến thăm cũng khẳng định Việt Nam và Ấn Độ luôn ủng hộ lẫn nhau, sẵn sàng hợp tác, chung tay xây dựng hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Hai bên đã ra Tuyên bố chung về việc Tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, ký 9 văn kiện trong các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, tài chính, y tế, văn hóa, du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giai đoạn 2024-2028.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Lãnh đạo Ấn Độ đã nhất trí tăng cường hợp tác trên tinh thần "Năm hơn", cụ thể là:
Một là, tin cậy chính trị - chiến lược cao hơn. Lãnh đạo hai nước khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường hơn nữa trao đổi đoàn, tiếp xúc trên cả kênh Đảng, Quốc hội, Chính phủ, địa phương, tiếp tục triển khai Chương trình Khách quý giữa hai bên; đồng thời tăng cường hiệu quả các cơ chế hợp tác. Việc Việt Nam công bố tham gia làm thành viên Liên minh Cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai (CDRI) và khẳng định sớm hoàn tất thủ tục để tham gia Liên minh Năng lượng mặt trời quốc tế ISA, hai trong số các sáng kiến toàn cầu quan trọng của Ấn Độ, đã góp phần vào việc củng cố tin cậy giữa hai nước.
Hai là, hợp tác quốc phòng - an ninh sâu sắc hơn với việc đẩy mạnh triển khai hiệu quả Tuyên bố chung về quan hệ đối tác quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ đến năm 2030, mở rộng hợp tác an ninh hàng hải, an ninh mạng, hợp tác chống khủng bố. Việc hai bên ký kết triển khai gói tín dụng 500 triệu USD dành cho quốc phòng là một bước đột phá trong chuyến thăm.
Ba là, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư thực chất và hiệu quả hơn, đột phá hơn. Hai bên hướng tới kim ngạch thương mại hai chiều đạt 20 tỷ USD, tăng gấp đôi đầu tư hai chiều từ nay đến năm 2030. Việt Nam đã đề nghị Ấn Độ giải quyết vấn đề rào cản thương mại, ký Hiệp định về Thương mại điện tử, Hiệp định Thương mại song phương để khai thác tối đa thị trường bán lẻ phù hợp với xu thế mới, thúc đẩy các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh sang thị trường rộng lớn và tiềm năng của Ấn Độ như điện tử, dệt may, nông sản; thu hút các tập đoàn lớn của Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực hạ tầng, dược phẩm, năng lượng… Dịp này, các doanh nghiệp hai nước đã ký 06 hợp đồng lớn về hàng không, sân bay và logistics.
Bốn là, hợp tác khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo rộng mở hơn. Theo đó, hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác về nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ lõi, chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hợp tác về năng lượng nguyên tử, đất hiếm, mở rộng hợp tác trong lĩnh vực hóa dầu, các lĩnh vực năng lượng mới, thúc đẩy thành lập các liên doanh sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin và hợp tác đào tạo lực lượng kỹ sư công nghệ thông tin đáp ứng sự phát triển của ngành công nghiệp này.
Năm là, hợp tác văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân kết nối mật thiết hơn. Hai bên nhất trí sớm ký thỏa thuận hợp tác về du lịch, nỗ lực sớm đạt mục tiêu tăng gấp đôi lượng khách du lịch so với hiện nay với khoảng 400.000 lượt khách/năm, tiếp tục hợp tác trùng tu, bảo tồn các di sản Tháp Chăm ở Mỹ Sơn, Quảng Nam cũng như đa dạng hóa hơn nữa các hình thức giao lưu nhân dân.
Để cụ thể hóa phương hướng "Năm hơn" đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất cần 5 định hướng ưu tiên, theo đó cần củng cố và tăng cường hơn nữa tin cậy chiến lược; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, đưa hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư phát triển tương xứng với tầm vóc quan hệ; đẩy mạnh hợp tác đa phương, đề cao luật pháp quốc tế, hiện thực hóa tầm nhìn về hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở các vùng biển và đại dương; chủ động đóng góp vào việc ứng phó với các thách thức toàn cầu; cùng nhau đưa hợp tác văn hóa, giáo dục đào tạo, kết nối địa phương, giao lưu nhân dân, du lịch trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho sự phát triển bền vững của hai nước.