Vụ án FLC: Cổ phiếu ROS vẫn còn giá trị?
Trả lời HĐXX, đại diện Faros khẳng định, cổ phiếu ROS vẫn còn giá trị, chỉ là bị ngừng giao dịch trên sàn chứng khoán trong thời gian gần đây.
Chiều 23/7, phiên tòa xét xử sở thẩm bị cáo Trịnh Văn Quyết cùng 49 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan tiếp tục.
Trả lời câu hỏi của HĐXX, ông Lê Ngọc N (1978, trú tại quận Hải Châu, Đà Nẵng) là một trong những bị hại (nhà đầu tư) cho biết, ông mua mã cổ phiếu ROS (667.200 cổ phiếu) của Công ty Faros. Ông N mong muốn được nhận lại tiền bằng số cổ phiếu đã mua của Công ty Faros.
Cũng tại phiên tòa, đại diện Công ty Faros khẳng định, cổ phiếu ROS vẫn còn giá trị, chỉ là bị ngừng giao dịch trên sàn chứng khoán trong thời gian gần đây.
Về mối quan hệ với Công ty Faros, trả lời HĐXX, đại diện FLC cho rằng, Tập đoàn không có quan hệ trực tiếp với Faros. Tập đoàn cũng không sử dụng các khoản tiền mà Công ty Faros thu được của các nhà đầu tư. Đối với những tài sản mà FLC bị thu giữ trong quá trình điều tra, đại diện doanh nghiệp nói, tôn trọng và chấp nhận các phán quyết của Tòa án.
Trả lời thẩm vấn HĐXX cuối giờ sáng 23/7, bị cáo Trịnh Văn Quyết khẳng định: “Bị cáo tôn trọng cáo trạng của Viện kiểm sát. Những gì cáo trạng mô tả là đúng với bản chất hành vi phạm tội của bị cáo”. Với những câu hỏi của chủ tọa về hai tội danh bị truy tố là “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thao túng thị trường chứng khoán”, bị cáo Quyết đồng ý với kết luận trong cáo trạng của Viện KSND tối cao.
Phiên tòa buổi chiều 23/7, vợ bị cáo Trịnh Văn Quyết là bà Lê Thị Ngọc Diệp cũng được HĐXX triệu tập tới phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Tại tòa, bà Diệp thừa nhận mình đã nhận hai khoản tiền 27 tỷ đồng và trên 35 tỷ đồng do bị cáo Quyết chuyển, nhưng bà Diệp cho rằng, đó là hai khoản tiền bà vay hộ bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (em gái bị cáo Quyết). Bà Diệp cho biết, sẽ dùng số tiền này để trả các khoản nợ đã vay hộ em gái chồng.
Có mặt tại phiên tòa, đại diện một số ngân hàng đã cho vợ chồng bị cáo Trịnh Văn Quyết và vợ chồng bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga (em gái bị cáo Quyết) vay tiền và thế chấp tài sản là nhà đất (đã bị cơ quan điều tra phong tỏa) có đề nghị. Cụ thể, họ trình bày, nếu cơ quan điều tra đã kê biên để giải quyết phần dân sự trong vụ án ở Tập đoàn FLC thì đề nghị Tòa án tuyên buộc vợ chồng bị cáo Quyết và vợ chồng bị cáo Nga phải hoàn trả số tiền đã vay cho ngân hàng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021, Tập đoàn FLC có 24.065 tỷ đồng nợ phải trả tại thời điểm 31/12/2021, chiếm 71% tổng nguồn vốn. Riêng nợ vay và thuê tài chính là hơn 7.205 tỷ đồng, tăng hơn 685 tỷ đồng.
Trong đó, chủ nợ lớn nhất của Tập đoàn FLC tại ngày 31/12/2021 là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) với tổng dư nợ ngắn hạn cũng như dài hạn là hơn 1.840 tỷ đồng. Đứng sau Sacombank, Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam - BIDV cũng cho FLC vay hơn 1.747 tỷ đồng; Ngân hàng phương Đông - OCB cho FLC vay 1.392 tỷ; Ngân hàng Quốc dân - NCB cho Tập đoàn này vay 634 tỷ và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Agribank cho FLC vay 169 tỷ.