Trao đổi nghiệp vụ

Đương sự "rối" khi phải dời cột do Điện lực sở hữu

Văn Kỳ 21/07/2024 - 18:26

Cột điện bằng sắt không thuộc quyền sở hữu của hộ ông Tư, bà Nhung, văn bản của Điện lực cũng khẳng định cột điện do đơn vị lắp đặt từ năm 1988. Vụ việc khiến người phải thi hành án rơi vào tình huống khó xử.

Ông Nguyễn Văn Tư (sinh năm 1950) và bà Lê Thị Tuyết Nhung (sinh năm 1954) cùng cư trú tại phường An Hội, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre, cho biết hiện nay cơ quan thi hành án dân sự đang buộc ông bà thi hành phần tài sản không phải của mình. Theo hồ sơ, ông Tư, bà Nhung là chủ sử dụng thửa đất số 21, tờ bản đồ số 10 tọa lạc tại phường 1, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre (cấp GCNQSDĐ 2011) nguồn gốc nhận chuyển nhượng trước 1975.

3(5).jpg
Cột điện chữ V trên hẻm không phải là tài sản của ông Tư, bà Nhung.

Giữa thửa đất 21 của ông Tư, bà Nhung và thửa 23, tờ bản đồ số 10 của bà Nguyễn Thị Ngọc Cẩm và ông Nguyễn Văn Hiệp có con hẻm. Bên dưới con hẻm là ống cống thoát nước, trên là một cột sắt hình chữ V được nhà nước dựng lên để kéo điện cho người dân sử dụng hàng chục năm nay.

Năm 2019, ông Hiệp, bà Cẩm đã tiến hành đập bể, lấp đường ống, lấp ống thoát nước giữa con hẻm để xây dựng nhà. Quá trình xây dựng làm nhà ông Tư, bà Nhung lún, nứt tường nhà nghiêm trọng. Ông Tư, bà Nhung khởi kiện ông Hiệp, bà Cẩm ra Tòa án nhân dân thành phố Bến Tre, yêu cầu trả 4,57m2 đất tại con hẻm thuộc thửa 21, tờ bản đồ số 10 và bồi thường thiệt hại do hành vi lấn làm hư hỏng tài sản, chiếm đất đai.

Ngày 28/9/2020, Tòa án nhân dân thành phố Bến Tre đưa vụ án ra xét xử. Kết quả, bác yêu cầu khởi kiện của ông Tư, bà Nhung về việc yêu cầu ông Hiệp, bà Cẩm trả 4,57m2 con hẻm. Toà chấp nhận một phần yêu cầu của ông bà đòi bồi thường thiệt hại do hành vi làm hư hỏng tài sản khi lấn chiếm xây dựng. Ngoài ra, Tòa án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu phản tố của ông Hiệp, bà Cẩm về việc không cho ông Tư, bà Nhung đặt hệ thống thoát nước nằm trong lòng đất thửa 23 và đường điện (cột sắt hình chữ V) nằm trên đất thuộc thửa 23 do ông Hiệp, bà Cẩm đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông Tư, bà Nhung kháng cáo, Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre xử phúc thẩm và tuyên giữ nguyên án sơ thẩm.

Chi cục THADS thành phố Bến Tre ban hành quyết định buộc ông bà phải tháo dỡ cột sắt chữ V. Bà Nhung, ông Tư cho rằng đường ống nước đã bị gia đình ông Hiệp, bà Cẩm phá lấp từ năm 2019. Cột điện bằng sắt hình chữ V có hàng chục năm nay do cơ quan Nhà nước dựng lên, không phải của gia đình ông bà. Như vậy, đối với hệ thống cống thoát nước thì không còn, đối với cột điện sắt chữ V thì không phải của gia đình ông bà. Vì vậy, Chi cục THADS thành phố Bến Tre buộc gia đình bà phải tháo dỡ cống, cột điện sắt để thi hành án là điều không thể.

vb-dien-luc.jpg
Điện lực khẳng định, cột điện sắt chữ V được thi công lắp đặt năm 1988.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 8/6/2020, Công ty Điện lực Bến Tre có công văn số 749/ĐLTPBT-KHKT trả lời Tòa án nhân dân thành phố Bến Tre. Theo công văn này, cột điện hình chữ V được ký hợp đồng và sử dụng từ ngày 19/4/1988. Việc đặt cây sắt là để đảm bảo độ cao cho dây dẫn, cố định đầu dây nhằm đảm bảo an toàn cho người, tài sản và đáp ứng các quy định pháp luật có liên quan.

Việc lắp đặt cây sắt chủ yếu phục vụ cung cấp điện cho khách hàng theo hợp đồng mua bán điện từ năm 1988 đến nay và chưa nhận các kiến nghị hay khiếu nại về ảnh hưởng của đường dây trên đến sinh hoạt và sản xuất của các hộ xung quanh. Văn bản này cũng khẳng định từ khi cung cấp điện cho khách hàng vào năm 1988 đến nay, việc thi công lắp đặt, sửa chữa do Điện lực thực hiện. Điều này có nghĩa, cột sắt chữ V không phải của gia đình ông Tư, bà Nhung.

Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP. HCM) cho rằng, nếu là cột điện của Công ty Điện lực mà người dân tự ý xê dịch, tháo dỡ thì sẽ vi phạm quy định của Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phòng chống bạo lực gia đình.

Tại Điều 17, khoản 2, điểm a quy định rõ: “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi tự ý xê dịch, tháo dỡ cột dây điện thoại, điện tín, cột đèn, hàng rào của các cơ quan nhà nước hoặc các công trình công cộng khác. Đồng thời tại khoản 3, 4 Điều 17 của Nghị định này cũng quy định về hình thức xử phạt bổ sung như sau: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi này và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.

1(5).jpg
Cơ quan THA buộc ông Tư, bà Nhung di dời cột sắt chữ V.

Cũng theo luật sư Trần Minh Hùng, nếu cột điện là tài sản của Nhà nước, việc buộc người dân đập phá là hành vi có thể vi phạm vào tội hình sự, cho nên người dân không dám thi hành là có cơ sở. Cơ quan chức năng cần xác minh xem nếu là của Nhà nước thì phải do Nhà nước tháo dỡ.

Vừa qua, Chi cục THADS thành phố Bến Tre trả lời cho ông Tư, bà Nhung tại Công văn số 553 -23/5/2024 và Quyết định số 04 – 24/6/2024 có nội dung: Việc yêu cầu của ông Tư, bà Nhung hoàn toàn không có căn cứ, vì Cơ quan THADS thành phố Bến Tre không có nhiệm vụ hỏi, kiến nghị Toà án...

Văn Kỳ