Quy định về thải bỏ phương tiện giao thông sắp ban hành
Chủ phương tiện giao thông hết niên hạn sử dụng hoặc không bảo đảm quy chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật, có trách nhiệm thải bỏ theo hình thức chuyển giao cho cơ sở được phép tiếp nhận.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thải bỏ phương tiện giao thông.
Theo dự thảo Quyết định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chủ phương tiện giao thông hết niên hạn sử dụng hoặc không bảo đảm quy chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật có trách nhiệm thải bỏ theo hình thức chuyển giao cho cơ sở được phép tiếp nhận phương tiện giao thông thải bỏ; trừ trường hợp chủ phương tiện giao thông quyết định hoãn trách nhiệm thải bỏ phương tiện giao thông theo quy định.
Việc thải bỏ phương tiện giao thông được thực hiện trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày hết niên hạn sử dụng hoặc từ ngày xác định không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Dự thảo nêu rõ, cơ quan nhà nước có quyền định đoạt phương tiện giao thông bị tịch thu do vi phạm pháp luật hoặc là tài sản vô chủ đã xác lập quyền chủ sở hữu theo quy định của pháp luật mà hết niên hạn sử dụng hoặc không bảo đảm quy chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật có trách nhiệm thải bỏ theo hình thức chuyển giao cho cơ sở được phép tiếp nhận phương tiện giao thông thải bỏ.
Chủ phương tiện giao thông có nhu cầu thải bỏ phương tiện giao thông chưa hết niên hạn sử dụng hoặc bảo đảm quy chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường khi thải bỏ thì có trách nhiệm bàn giao cho cơ sở được phép tiếp nhận phương tiện giao thông thải bỏ.
Theo dự thảo Quyết định, chủ phương tiện giao thông quy định nêu trên không được phép thải bỏ, chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân khác không thuộc đối tượng quy định. Việc thải bỏ, chuyển giao cho phương tiện giao thông nêu trên được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự, đấu giá tài sản và pháp luật khác có liên quan.
Cũng theo dự thảo, chủ phương tiện giao thông thải bỏ có thể hoãn trách nhiệm thải bỏ phương tiện giao thông nhưng phải thực hiện theo các yêu cầu quy định.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng nêu rõ, sau khi tiếp nhận phương tiện giao thông thải bỏ, cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng theo quy định của pháp luật. Hoặc cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe máy của nhà sản xuất, nhập khẩu do nhà sản xuất, nhập khẩu thuộc đối tượng thực hiện trách nhiệm tái chế phương tiện giao thông công bố đủ điều kiện tiếp nhận phương tiện giao thông thải bỏ. Các cơ sở trên có trách nhiệm chuyển giao cho cơ sở tháo dỡ, tái chế, xử lý phương tiện giao thông thải bỏ đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường để tái chế, xử lý theo quy định của pháp luật. Việc chuyển giao được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
Nhà sản xuất, nhập khẩu chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc công bố cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô theo quy định của pháp luật hoặc cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe máy của nhà sản xuất, nhập khẩu đủ điều kiện tiếp nhận phương tiện giao thông thải bỏ.
Cơ sở được phép tiếp nhận phương tiện giao thông thải bỏ có trách nhiệm thực hiện thủ tục thu hồi đăng ký, biển số đối với phương tiện giao thông thải bỏ với cơ quan có thẩm quyền sau khi được chuyển giao thay cho chủ phương tiện giao thông thải bỏ.
Ngoài hồ sơ đề nghị thu hồi đăng ký, biển số theo quy định của pháp luật, cơ sở được phép tiếp nhận phương tiện giao thông thải bỏ còn phải bổ sung hợp đồng, giấy tờ hợp pháp về chuyển giao phương tiện giao thông thải bỏ để được thu hồi đăng ký, biển số.