Tin văn hóa

Đề xuất giám sát điện tử người chấp hành án tại cộng đồng

Lương Văn 20/07/2024 - 09:56

Bộ Công an cho biết, cơ quan soạn thảo đang đề xuất sửa đổi, bổ sung để dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).

Theo Bộ Công an, qua 4 năm triển khai, Luật Thi hành án hình sự (2019) bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc. Các quy định về thực hiện chế độ của phạm nhân, đội phạm nhân còn thiếu, chưa có quy định về khen thưởng, thời gian thăm gặp thân nhân, chưa có quy định về việc cho phép phạm nhân thực hiện liên lạc với thân nhân bằng cuộc gọi có hình ảnh…

Về cơ bản, phạm vi điều chỉnh và đối tượng của dự thảo Luật giữ nguyên so với Luật Thi hành án hình sự 2019 đang có hiệu lực. Trong các nội dung được đề xuất sửa đổi, Bộ Công an tập trung vào quy định cách thức triển khai việc giám sát điện tử đối với người chấp hành án hình sự tại cộng đồng.

Hiện, các đơn vị chức năng trên toàn quốc đang quản lý 69.523 người chấp hành án hình sự tại cộng đồng. Trong đó, 63.691 người chấp hành án hình sự tại địa phương cấp xã; 4.595 người bị kết án tù ngoài nơi giam giữ và 1.237 người được tha tù trước thời hạn. Bên cạnh đó, số người chấp hành án bỏ trốn lớn, người chấp hành án phạm tội mới tăng thêm dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự xã hội. Dự báo thời gian tới, lượng người chấp hành án hình sự tại cộng đồng sẽ tăng.

giam-sat-thi-hanh-an.png

Theo đó, Bộ Công an cho rằng cần đặt ra yêu cầu đổi mới công tác quản lý, giám sát, giáo dục đối với người chấp hành án hình sự tại cộng đồng, cần thiết ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, giám sát, giáo dục thay cho phương pháp thủ công truyền thống.

Để làm được việc này, Bộ Công an cho rằng cần xây dựng Trung tâm giám sát điện tử cấp bộ. Mục đích là giám sát điện tử đối với người chấp hành án tại cộng đồng, gồm: Người được tha tù trước thời hạn; người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ, phạt cấm đi khỏi nơi cư trú, phạt quản chế.

Bên cạnh đó, cần xây dựng trình tự, thủ tục, điều kiện, phương thức áp dụng, hình thức thực hiện phương pháp giám sát điện tử và quy định cơ quan nào có thẩm quyền quyết định giám sát điện tử đối với người chấp hành án tại cộng đồng.

Đồng thời, quy định về vị trí pháp lý của Trung tâm giám sát điện tử, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan này trong việc giám sát điện tử, máy chủ trung tâm, đường truyền kết nối, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.

Với giải pháp này, Bộ Công an đánh giá sẽ làm phát sinh chi phí ngân sách Nhà nước, dự kiến kinh phí ban đầu khoảng 656 tỉ đồng. Trong đó, phí xây dựng Trung tâm giám sát điện tử cấp bộ khoảng 313 tỉ đồng; Trung tâm giám sát điện tử cấp tỉnh, huyện khoảng 48 tỉ đồng. Chi phí trang bị thiết bị giám sát điện tử dự kiến khoảng 294 tỉ đồng, kinh phí duy trì hàng năm là hơn 95 tỉ đồng.

Lương Văn