Tin xét xử

Tòa kêu gọi bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn ra đầu thú

Thanh Đỗ 09/07/2024 - 09:16

TAND TP Hồ Chí Minh kêu gọi Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 3 bị cáo khác ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, hợp tác với các cơ quan tiến hành tố tụng để đảm bảo quyền bào chữa, quyền tự bào chữa theo quy định.

TAND TP Hồ Chí Minh vừa phát đi thông báo kêu gọi Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng 3 bị cáo trong vụ án nâng giá dự toán các gói thầu tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước.

cac-bi-cao-aic.jpg
Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng các bị cáo khác bị truy nã quốc tế.

Đồng thời, hợp tác với các cơ quan tiến hành tố tụng để đảm bảo quyền bào chữa, quyền tự bào chữa theo quy định tại Điều 16, Điều 61 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, trong trường hợp các bị cáo không ra trình diện hoặc đầu thú thì coi như từ bỏ quyền tự bào chữa và sẽ bị xét xử vắng mặt.

Theo lịch, dự kiến ngày 10/7, vụ án được đưa ra xét xử và kết thúc ngày 12/7. Địa điểm mở phiên tòa tại trụ sở TAND TP Hồ Chí Minh (131 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh).

Trong vụ án này, có 4 bị cáo bị truy nã gồm: Nguyễn Thị Thanh Nhàn (SN 1969, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC); Trần Mạnh Hà (SN 1971, Phó Tổng giám đốc Công ty AIC); Đỗ Vân Trường (1980, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mopha); Trần Đăng Tấn (SN 1975, Trưởng Văn phòng đại diện Công ty AIC tại TP. Hồ Chí Minh). Các bị cáo nêu trên bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra Quyết định số 02/QĐTN-CSKT-P9 truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế.

Đây là vụ án thứ 3 bị cáo Nhàn bị xét xử vắng mặt. Trước đó năm 2022, trong vụ án “Vi phạm quy định đấu thầu, đưa nhận hối lộ” xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, bị cáo Nhàn bị TAND TP. Hà Nội tuyên phạt 30 năm tù.

Tháng 10/2023, bị cáo tiếp tục bị TAND tỉnh Quảng Ninh xét xử vắng mặt về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" trong vụ sai phạm cung cấp thiết bị tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh và bị tuyên án 10 năm tù.

Theo cáo trạng, dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2006. Chủ đầu tư là Trung tâm Công nghệ sinh học, cơ quan chủ quản là Sở NN&PTNT TP.HCM.

Bị cáo Nhàn chủ động làm quen với Trần Thị Bình Minh (cựu Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM). Sau đó, cùng Trần Mạnh Hà nhiều lần đến phòng làm việc của bà Bình Minh, nhờ tạo thuận lợi để thâu tóm các gói thầu tại Trung tâm Công nghệ sinh học. Các gói thầu này với giá trị thiết bị toàn dự án tăng từ 425 tỷ đồng lên gần 469 tỷ đồng.
Cũng theo cáo trạng, Trần Thị Bình Minh đã bỏ qua sai sót, tạo điều kiện cho Công ty AIC của Nguyễn Thị Thanh Nhàn trúng thầu dự án 12 phòng thí nghiệm, gây thiệt hại 33 tỷ đồng.

Qua các lời khai, vì được tạo điều kiện khi thẩm định điều chỉnh dự án, dự toán, Phó Tổng Giám đốc AIC Trần Mạnh Hà đã 4 lần đến tặng quà cho Minh với tổng cộng 900 triệu đồng.

Sau khi trúng các gói thầu từ năm 2015 đến năm 2018, bị cáo Nhàn đã chỉ đạo Trần Mạnh Hà và Trần Đăng Tấn 6 lần đưa tiền cho Dương Hoa Xô với tổng số tiền 14,4 tỷ đồng. Sau khi nhận tiền, Xô 2 lần đưa tiền cho Minh số tiền 1 tỷ đồng.

Thanh Đỗ