Trao đổi nghiệp vụ

Tam Dương: Cán bộ tâm tư khi được điều động, luân chuyển

PV 06/07/2024 - 09:53

Vĩnh Phúc - Một số cán bộ cơ sở huyện Tam Dương, sau khi được sắp xếp, luân chuyển đã có những tâm tư, thậm chí có người xin nghỉ việc.

Đó là trường hợp của ông Lê Thế Đắc, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Đan được Ban Thường vụ Huyện ủy Tam Dương điều động, luân chuyển tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ xã Hướng Đạo, giới thiệu bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã. Tại Kỳ họp ngày 23/5/2024, Hội đồng nhân dân xã Hướng Đạo khóa XIII đã tiến hành bầu cử chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã nhưng ông Lê Thế Đắc chỉ được 9/26 phiếu bầu, đạt 34,6% và đã không trúng cử chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã theo giới thiệu của Ban Thường vụ Huyện ủy.

Ngày 4/7/2024, trao đổi với PV, ông Đắc cho biết: “Trước khi nhận được quyết định điều động, tôi không được tổ chức gặp hoặc trao đổi về việc luân chuyển về xã Hướng Đạo. Ngày 7/5/2024, tôi nhận được Thông báo Nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện ủy thì hôm sau, ngày 8/5/2024, tôi mới được Ban Tổ chức Huyện ủy mời gặp để thông báo. Sau đó, vì không trúng cử nên hiện nay tôi được gợi ý làm công chức văn hóa - xã hội nhưng cũng chưa có quyết định…”.

Tương tự, ông Phùng Đức Khương, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Đạo cũng được Ban Thường vụ Huyện ủy Tam Dương điều động, luân chuyển về xã Hoàng Đan, giới thiệu để bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã. Ngay sau khi nhận được quyết định, ông Khương đã có đơn xin nghỉ việc, hiện chưa được giải quyết.

Ông Khương bày tỏ: “Bản thân tôi là cán bộ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được cán bộ, nhân dân trong xã tín nhiệm. Tuy nhiên, tôi rất bất ngờ khi được điều động đến địa phương khác. Hơn nữa, tôi cũng không được quy hoạch thuộc diện cán bộ luân chuyển. Vì thế, tôi đã làm đơn xin nghỉ việc”.

Có thể thấy, công tác luân chuyển, điều động cán bộ cần được tiến hành từng bước, thận trọng; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, sát với thực tiễn của địa phương. Định kỳ rà soát, bổ sung quy hoạch, thông báo kết quả nhận xét, đánh giá quy hoạch cán bộ cho các địa phương, cơ quan, đơn vị. Từ đó, có hướng đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện công tác luân chuyển, điều động, dựa trên yêu cầu thực tế công tác cán bộ của huyện, của các xã, thị trấn. Đồng thời, lựa chọn người cũng như chọn đơn vị luân chuyển để cán bộ được luân chuyển yên tâm nhận nhiệm vụ.

Quá trình thực hiện, cần chú trọng đến công tác tư tưởng, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ được luân chuyển, điều động. Tổ chức cần làm việc với các địa phương nơi cán bộ đang công tác và nơi cán bộ luân chuyển, điều động đến về mục tiêu, ý nghĩa việc thực hiện công tác luân chuyển, điều động cán bộ.

Qua đó, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao giúp cho huyện thực hiện tốt công tác tạo nguồn cán bộ và giúp cho cơ sở giải quyết khó khăn trong công tác cán bộ. Nhờ vậy, tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa công tác luân chuyển, điều động cán bộ với ổn định và xây dựng cán bộ, vừa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ công tác, vừa coi trọng mục đích đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ.

Sự việc 2 trường hợp cán bộ của huyện Tam Dương nói trên rất cần được các cấp quan tâm, rút kinh nghiệm trong bối cảnh địa phương đang có xáo trộn về công tác cán bộ.

PV