Bài toán nhu cầu nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long
Để giải “bài toán” nhu cầu nước ngọt cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhóm các nhà khoa học đề xuất phương án xây dựng 2 hồ chứa nước dung tích 2,5 tỷ m3 nước với chi phí 130 ngàn tỉ đồng.
Tại Hội thảo nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), TS. Võ Văn Hải – Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý (Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP HCM), cho biết nhu cầu sử dụng nước vùng ĐBSCL hàng năm hiện vào khoảng 22,8 tỷ m3. Trong đó, thiếu hụt nước ngọt vào mùa khô khoảng 4,2 tỷ m3 hàng năm, dự báo lên đến 4,8 tỷ m3 vào năm 2030 và 5 tỷ m3 vào năm 2050.
Từ thực tế trên, ông Hải đã cùng các nhà khoa học nghiên cứu và đề xuất phương án xây hồ chứa nước lớn để chủ đổng điều tiết, kiểm soát lượng nước, giảm thiểu đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực đến đời sống dân sinh khu vực.
Theo nhóm nghiên cứu, có hai khu vực để xây hồ là “Vườn quốc gia Tràm Chim” – Tam Nông – Đồng Tháp với 3 phương án có chi phí từ 30 nghìn đến 60 nghìn tỷ đồng; Khu bảo tồn “Lung Ngọc Hoàng” – Phụng Hiệp – Hậu Giang với 3 phương án có chi phí từ 18 nghìn tỷ đồng đến 68 nghìn tỷ đồng.
Tại khu vực hồ chứa thứ nhất, theo nhóm nghiên cứu, hệ thống thủy lợi hiện có tại khu vực thuận lợi cho điều tiết dòng chảy mùa hạn, cung cấp nước cho các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre thông qua kênh liên tỉnh. Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng gần 8.000 với gần 32.000 nhân khẩu. Theo TS. Hải, với mật độ dân cư thấp 281 người mỗi km2, chi phí đền bù giải tỏa tái định cư không quá cao.
Hồ chứa thứ hai nằm gần khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (Hậu Giang) có dung tích 1 tỷ m3 với dân cư thưa thớt nên chi phí đền bù giải tỏa không quá cao. Tổng diện tích xây hồ dự kiến hơn 17.000 ha. Số hộ dân dự kiến di dời khoảng 11.700 với gần 47.000 nhân khẩu..
Theo nhóm nghiên cứu, việc xây dựng hồ chứa sẽ giúp điều tiết nước cho các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và một phần Kiên Giang, Cần Thơ thông qua hệ thống kênh rạch có sẵn.
Ông Hải phân tích, các hồ chứa xây dựng gần các khu bảo tồn thiên nhiên với mục đích dùng nơi này dự trữ nước thông qua hệ sinh thái khu vực. Hai hồ cũng có chức năng cung cấp nước, phòng chống cháy rừng trong mùa khô hạn cho hai khu bảo tồn.
Tại hội thảo, ông Hải nhấn mạnh việc xây dựng hồ chứa nước không chỉ vì hiện tại, mà làm còn vì những thế hệ mai sau. ‘‘Điều mà chúng ta cần quan tâm là lựa chọn phương án nào là có hiệu quả nhất để dự án đó phát huy tính hữu ích lâu dài như hồ Dầu Tiếng. Không chết yểu như một số hồ tốn kém mà hiệu quả thấp.
Cũng theo ông Hải, ĐBSCL ở cuối nguồn dòng Mekong, nên cần phải xây dựng những hồ chứa nước ngọt đủ lớn, để điều tiết lưu lượng nước ngọt đáp ứng được nhu cầu cho toàn vùng, chứ không phải xây dựng những hồ chứa nước nhỏ tràn lan như hiện nay, vừa tốn kém ngân sách đất đai nhưng hiệu quả không cao. Ông hy vọng “Dự án xây dựng hồ chứa nước ngọt cho ĐBSCL” sẽ được các nhà khoa học, quan tâm góp ý để dự án có thể trở thành một kênh tham khảo hữu ích của các cấp chính quyền.
PGS.TS Tô Văn Thanh, Viện phó Viện khoa học thủy lợi Miền Nam cho rằng, việc xây dựng hồ chứa nước ở đồng bằng như Tây Nam Bộ có tính chất phức tạp hơn so với xây công trình tương tự ở vùng núi. Cụ thể, đó là kỹ thuật xây hồ trên nền đất yếu, phương thức phân phối nước, vấn đề bảo vệ môi trường...
Theo ông Thanh, việc chuyển nước phục vụ cho sản xuất tại các hồ quy mô lớn cần có hệ thống trạm bơm công suất cao, làm các hệ thống cống bắc qua kênh... Khi xây dựng các công trình này ảnh hưởng đến giao thông, phát triển kinh tế, môi trường tại khu vực, diện tích xây dựng lớn tại vùng đồng bằng ảnh hưởng giải phóng mặt bằng, sinh kế người dân sau khi di dời nên cần tính toán kỹ.
PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Phó chủ tịch Hội nước và môi trường TP. HCM cho rằng, việc xây dựng hồ chứa nước gần các khu bảo tồn thiên nhiên cần cẩn trọng, việc xây dựng hồ chứa nước ngọt là giải pháp đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt, sản xuất nhưng cần xem xét nhiều khía cạnh khác nhau để đảm bảo hài hòa lợi ích người dân, không làm tổn hại môi trường.