Đầu tư công giải ngân đạt gần 21% kế hoạch
Báo cáo của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng cho biết, vốn đầu tư công giải ngân lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 5 đạt gần 21% kế hoạch, tương đương 143.600 tỷ. Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/6 là 196.669 tỷ đồng, đạt 27,5% kế hoạch.
Đến hết tháng 6, có 12 trên 44 bộ, cơ quan trung ương và 37 trên 63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Một số Bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân tốt như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Đài Truyền hình Việt Nam, Liên Hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Bên cạnh đó, Thanh Hóa, Tiền Giang, Phú Thọ, Long An, Đồng Tháp, Hà Tĩnh là các địa phương giải ngân tốt.
Tuy nhiên, có 32 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Đặc biệt, có một số bộ, cơ quan trung ương giải ngân rất thấp hoặc có tỷ lệ giải ngân 0% như Văn phòng Chính phủ, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ, Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội,.... Riêng Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có tỷ lệ giải ngân 0% do chưa phân bổ kế hoạch vốn.
Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 15% như Hải Dương, Bắc Ninh, TP HCM, Hưng Yên. Các số liệu cũng cho thấy, tình hình thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia đạt cao hơn so với tỷ lệ giải ngân bình quân chung 5 tháng của cả nước.
Tính đến hết ngày 31/5, tổng số vốn giải ngân của 9 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải là 21.920 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 23% kế hoạch năm 2024 được giao.
Bộ Tài chính cho biết các vướng mắc, khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm nay vẫn là những tồn tại lâu nay chưa được giải quyết dứt điểm như vướng mắc về cơ chế chính sách, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, vướng mắc về nguyên vật liệu xây dựng...đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Bên cạnh đó, việc giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm bị ảnh hưởng bởi các nguyên nhân như: Một lượng tương đối lớn vốn NSTW (11.916 tỷ đồng, chiếm 5,02% tổng nguồn vốn NSTW) mới được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung tại Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 30/3/2024 và Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 10/6/2024 nên khó có thể giải ngân kịp thời nguồn vốn trên trong 6 tháng đầu năm. Tỷ lệ giải ngân cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải, dự án giao thông liên vùng do địa phương quản lý còn thấp.
Vì thế, Bộ Tài chính có công văn số 6503/BTC-ĐT ngày 24/6/2024 về việc công khai giải ngân các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, dự án giao thông liên vùng do địa phương quản lý, các dự án sạt lở sông biển sử dụng dự phòng ngân sách trung ương năm 2023, trong đó còn một số dự án chưa giải ngân và nhiều dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 5%.