Vinh danh Thẩm phán

Chánh án quận Bắc Từ Liêm - có một phong cách như thế

Hải Long 29/05/2024 - 11:16

Với sự cần mẫn, miệt mài trong công việc của Thẩm phán Đỗ Thị Thúy Hạnh, Chánh án TAND quận Bắc Từ Liêm, chị đã góp phần tăng tỷ lệ giải quyết án dân sự, án hành chính của Toà án nhân dân Thành phố Hà Nội.

Địa bàn quận Bắc Từ Liêm có diện tích rộng, án nhiều và phức tạp, nhất là các tranh chấp về dân sự ngày càng tăng cao. Đứng trước những thách thức đó, nữ Chánh án đã không ngại khó, không ngại khổ, tiên phong đi đầu trong việc giải quyết án các vụ án dân sự kéo dài. Ngoài ra, chị đã cùng tập thể lãnh đạo họp bàn đề ra các phương án khuyến khích, động viên cán bộ công chức để có kết quả giải quyết án cao.

c.a1.png
Thẩm phán Đỗ Thị Thúy Hạnh (phải), Chánh án TAND quận Bắc Từ Liêm

Mỗi sáng thứ hai hàng tuần, chị luôn tổ chức họp giao ban trong đơn vị, triển khai các công việc trong tuần, thông báo các thông tin chính trị nội bộ của ngành, của quận, lắng nghe các cán bộ công chức báo cáo tình hình chung của cơ quan, đưa ra kế hoạch công tác và phương hướng giải quyết công việc.

Trong các cuộc họp của cơ quan, nữ Chánh án bám sát các chủ trương chính sách pháp luật của Đảng của Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đánh giá những mặt đã làm được, chưa làm được, nêu ra được các hạn chế, khuyết điểm yếu kém, để cán bộ công chức khắc phục. Không khí tại các cuộc họp luôn vui tươi, sôi nổi, nhằm khuyến khích động viên tập thể cán bộ công chức, người lao động hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Với phong cách quản lý khéo léo, linh hoạt, chị đã xây dựng đơn vị thành một hệ thống hoạt động, trơn tru, ăn khớp, mỗi bộ phận là một mắt xích quan trọng. Trong đó, mỗi cán bộ công chức, người lao động có nhiệm vụ riêng của mình, bộ phận này hỗ trợ bộ phận kia, cán bộ công chức, người lao động luôn phát huy được thế mạnh của mình, nên mọi khó khăn, thách thức đều vượt qua.

ca2.png
Hàng tháng đơn vị sẽ tuyên dương, khen thưởng nhóm công tác có kết quả giải quyết án dân sự đạt tỷ lệ cao nhất.

Để khích lệ động viên cán bộ công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ, nữ Thẩm phán cũng đề ra các chỉ tiêu thi đua trong công tác dựa trên chỉ tiêu thi đua của ngành giao. Hàng tháng, đơn vị sẽ tuyên dương, khen thưởng nhóm công tác có kết quả giải quyết án dân sự đạt tỷ lệ cao nhất, các Thẩm phán, Thư ký, cán bộ văn phòng có thành tích xuất sắc đều được nêu tên.

Cuối năm căn cứ vào kết quả thi đua hàng tháng để so bó đũa, chọn cột cờ, chọn những đồng chí nào được khen thưởng nhiều tháng nhất trong năm, chất lượng xét xử đảm bảo, không có án hủy, án quá hạn do lỗi chủ quan của Thẩm phán. Việc đánh giá thể hiện sự công khai, minh bạch, công tâm, đặt công việc lên hàng đầu, không có tình cảm cá nhân, hay phân biệt đối xử, hoặc bè cánh.

Các cá nhân dù được khen thưởng hay không được khen thưởng đều tâm phục khẩu phục, không tị nạnh, so bì. Mỗi cán bộ công chức, người lao động khi đến cơ quan đều tìm thấy niềm vui, sự hạnh phúc trong công việc, hết mình cống hiến vì công việc. Vì thế, cán bộ công chức ở đây hầu hết không nghỉ hết ngày phép của mình theo Bộ luật Lao động, họ chỉ nghỉ phép khi thật cần thiết, phấn đấu làm hết việc chứ không làm hết giờ.

Với vai trò, lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các loại án: dân sự, hình sự, kinh doanh thương mại, hành chính, lao động… hay giải quyết công việc khác, Chánh án Đỗ Thị Thúy Hạnh luôn đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu.

Chị tâm sự, bản thân luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ với ngành Tòa án: “Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng”. Chính vì vậy trong công tác giải quyết đơn, giải quyết hồ sơ nữ Chánh án luôn yêu cầu Thẩm phán giải quyết đơn đúng thời hạn, giải quyết án đúng luật định, không được phiền hà, sách nhiễu nhân dân, giải quyết án phải bằng cái tâm của người cán bộ Tòa án.

ca5.png
Mỗi cán bộ, công chức, người lao động khi đến cơ quan đều tìm thấy niềm vui.

Đối với các vụ án phức tạp, chị luôn cùng tháo gỡ với Thẩm phán, hướng dẫn người thi hành công vụ thu thập chứng cứ, xây dựng hồ sơ, công bằng khách quan. Đồng thời, nữ Chánh án luôn nhắc nhở các Thẩm phán áp dụng đúng pháp luật, xét xử các vụ án hình sự công tâm, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra án oan sai hay bỏ lọt tội phạm.

Đối với các vụ án dân sự, chị luôn đặt việc hòa giải lên hàng đầu, hướng dẫn Thẩm phán động viên, khuyến khích đương sự hòa giải với nhau về việc giải quyết vụ án. Do đó, tỷ lệ giải quyết án dân sự cũng như kết quả hòa giải của đơn vị luôn đạt kết quả cao.

Ngoài việc quản lý, thực hiện công tác xét xử, Chánh án Thúy Hạnh còn dành thời gian để truyền lửa yêu ngành, yêu nghề của mình cho các học viên của Học viện Tư pháp. Chị tham gia giảng dạy, chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn quý báu của mình cho các học viên đang tham gia học tập, giúp các học viên được hiểu nhiều hơn về công việc thực tế của ngành Tòa án. Đó là các cách thức thực hiện tố tụng, áp dụng pháp luật đúng quy định. Đáng nói, phương pháp truyền đạt của chị thật tỉ mỉ, dễ hiểu, giúp học viên yêu ngành nghề mà mình đã lựa chọn hơn. Vì thế, với vai trò là cô giáo, chị luôn được học viên yêu mến, Học viện Tư pháp tín nhiệm thường xuyên mời chị tham gia giảng dạy.

Khi nhắc đến chị, lãnh đạo Công an hay Viện kiểm sát hoặc cơ quan khác của quận đều thừa nhận sự “đoan trang”, “thuần khiết” và “có tâm” của nữ Chánh án Tòa án nhân dân quận Bắc Từ Liêm.

Hải Long