Phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn là nghề nặng nhọc, độc hại
Bộ LĐ-TB&XH đang hoàn thiện hồ sơ đề xuất ban hành Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong Công an nhân dân, trong đó có nghề, công việc phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, thời gian qua, cơ quan này nhận được nhiều kiến nghị về bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với các công việc, nghề như giáo viên mầm non, bảo vệ rừng, lao động ngành may mặc, phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn...
Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đề nghị thực hiện theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 và Điều 9 Thông tư số 29/2021/TT-BLĐTBXH.
Do vậy, hằng năm các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, người sử dụng lao động chủ động rà soát, đánh giá Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo phương pháp được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH quy định để đề xuất sửa đổi, bổ sung Danh mục phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ và quản lý trong từng thời kỳ.
Trong thời gian tới, trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tổng hợp, nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nói chung và trong các ngành như dệt may, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn… nói riêng nhằm đảm bảo thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho người lao động.