Nội chính

3 tăng cường và 5 đẩy mạnh trong chuyển đổi số

Hải Long 09/05/2024 - 10:01

Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 203/TB-VPCP thông báo kết luận Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Văn bản nêu rõ, đến nay các bộ, ngành, địa phương đã xác lập được 2.398 cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung. Trong đó, các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được tập trung đẩy mạnh xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 18 bộ, ngành, 63 địa phương, 4 doanh nghiệp nhà nước. Cấp trên 86 triệu thẻ Căn cước công dân gắn chíp; kích hoạt gần 54 triệu tài khoản; tiếp nhận hơn 1,5 tỷ yêu cầu xác thực thông tin.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Trưởng ngành, Bí thư, Chủ tịch UBND các cấp phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, tập trung chỉ đạo quyết liệt trong triển khai chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số; với tinh thần "3 tăng cường" và "5 đẩy mạnh".

Tinh thần "3 tăng cường" gồm: Tăng cường nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của chuyển đổi số tới từng người dân, doanh nghiệp và nhất là người đứng đầu; Tăng cường tiềm lực cho chuyển đổi số, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên bố trí nguồn lực; Tăng cường hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt và huy động mọi nguồn lực xã hội.

Tinh thần "5 đẩy mạnh" gồm: Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý đầy đủ thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số; Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, nền tảng số tạo tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế số; Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, lập nghiệp trong chuyển đổi số; Đẩy mạnh phát triển nhân lực số, kỹ năng số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội; Đẩy mạnh an toàn thông tin mạng, an ninh mạng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia từ sớm, từ xa, từ cơ sở.

Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và các nhiệm vụ trong Đề án 06.

chuyen-doi-so.png

Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để bảo đảm Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam theo đánh giá của Liên hợp quốc tăng ít nhất 5 bậc và Chỉ số an toàn an ninh mạng theo đánh giá của Liên minh viễn thông quốc tế thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu.

Yêu cầu Bộ sớm hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 05/2024 về Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030.

Cùng với đó, khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số; Hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi) đúng tiến độ;

Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 73/2019/NĐ-CP quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước trong tháng 05/2024; Nghiên cứu, xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn bảo đảm an toàn thông tin cấp bộ, tỉnh. Xây dựng cơ chế, công cụ đo lường, giám sát việc triển khai Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, yêu cầu khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 05/2024 ban hành Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

Liên quan đến Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trước đó, trong thông tin tới báo chí đầu tháng 04/2024 về tình hình xây dựng chiến lược cũng như những mục tiêu, định hướng đặt ra, Bộ TT&TT cho biết đang gửi lấy ý kiến các Bộ ngành và gấp rút nghiên cứu, phối hợp với các chuyên gia trong và ngoài nước, tập đoàn tư vấn quốc tế để góp ý hoàn thiện nội dung Dự thảo Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045; trong đó có mục tiêu, kế hoạch thực hiện để tổng hợp, hoàn thiện Hồ sơ xây dựng Chiến lược trình Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, định hướng đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia có ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn phát triển, là một trong các mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Đồng thời, phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam cơ bản có đầy đủ, đồng bộ các hạ tầng về nhân lực, công nghệ, nghiên cứu phát triển, về sản xuất và thị trường ứng dụng, góp phần phát triển bền vững ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam, tạo nền tảng thực hiện thành công chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xây dựng chính phủ số…

Hải Long