Du lịch - Ẩm thực

5 người nhập viện do ăn cá nóc

Diệp Lâm Anh 04/05/2024 - 13:23

Ngày 4/5, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi điều trị cho 4 bệnh nhân là người cùng gia đình tại thôn Tây An Vĩnh (huyện Lý Sơn) bị ngộ độc phải nhập viện điều trị sau khi ăn cá nóc.

Ngoài ra, 1 người đang được điều trị tại Khoa Nhi tiêu hóa, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh.

Theo đó, tối 2/5, gia đình anh T.V.T (40 tuổi, thôn Tây An Vĩnh) cùng nhau ăn tối, trong đó có món cá nóc. Sau đó vài tiếng đồng hồ, 5 người trong gia đình bị đau bụng, nôn ói, đi ngoài và đã được sơ cứu tại Trung tâm Y tế huyện Lý Sơn. Đến chiều 3/5, cả 5 người được đưa vào đất liền để điều trị.

Theo anh T, bữa ăn tối 2/5 có 12 người, nhưng chỉ có 5 người bị ngộ độc. Hiện, có 4 người đang được điều trị tại Khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) và 1 người được điều trị tại Khoa Nhi tiêu hóa (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh).

Bác sỹ Phạm Trung Hiếu, Khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, các trường hợp trên đều bị ngộ độc ở mức độ nặng. Dù các bác sỹ đã tích cực điều trị nhưng các triệu chứng vẫn còn nên cần tiếp tục theo dõi.

cac_bac_si_dang_dieu_tri_benh_nhan_bi_ngo_doc_do_ca_noc(1).jpg
Bác sĩ đang điều trị một bệnh nhân bị ngộ độc.

Mặc dù cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo cá nóc là một trong những loại cá độc nhưng nhiều người vẫn ăn loại cá này dẫn đến bị ngộ độc, nguy hiểm đến tính mạng. Theo các chuyên gia y tế, trong cá nóc có thành phần chủ yếu là tetrodotoxin, thuộc nhóm độc tố thần kinh cực kỳ nguy hiểm, tỷ lệ gây tử vong khá cao. Độc tố này là hợp chất có tính bền nhiệt, không bị phân hủy trong quá trình nấu chín.

Độc tố cá nóc rất mạnh, với cơ thể người, chỉ cần ăn 10 gam thịt cá nóc có độc tố là bị ngộ độc, chỉ từ 1 - 2mg độc tố có thể gây chết người. Do đó, tuyệt đối không được ăn cá nóc dù mùa nào và hình thức nào, kể cả cá nóc khô. Người dân nên loại bỏ cá nóc ngay từ khi kéo lưới, đánh bắt, không sử dụng cá nóc làm thực phẩm dưới bất kì hình thức nào.

Theo các tài liệu nghiên cứu, vùng biển Việt Nam hiện có 66/400 loại cá nóc khác nhau và hầu hết là cá nóc độc. Độc tố có trong cá nóc là Tetrodotoxin, nằm chủ yếu ở các cơ quan nội tạng như: mật, gan, ruột, các cơ quan sinh sản và da. Vào mùa sinh sản, lượng độc tố trong cơ quan sinh sản tập trung rất cao. Đây là loại độc tố thần kinh cực kỳ nguy hiểm. Lượng độc tố này trong cá nóc có thể cao gấp 275 lần chất Xyanua và gấp 50 lần so với hạt mã tiền. Chỉ từ 1 - 2 miligam độc tố Tetrodotoxin trong cá có thể gây chết người. Thậm chí, khi nấu chín, phơi khô, kể cả chế biến thành nước mắm, chất độc trong cá nóc vẫn không hề giảm.

Diệp Lâm Anh