Yêu cầu kiểm tra giá vé máy bay
Ngày 3/5, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu rà soát, kiểm tra giá vé máy bay nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, đảm bảo hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Bộ GTVT, thời gian vừa qua, tình trạng giá vé máy bay của các hãng hàng không nội địa tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu đi lại của người dân, nhất là trong dịp cao điểm như kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua.
Từ đây, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không VN khẩn trương rà soát, kiểm tra ngay công tác bán vé, thực hiện kê khai, niêm yết giá, công khai, minh bạch thông tin về giá vé máy bay của các hãng hàng không. Trường hợp phát hiện bất thường, kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh và xử lý ngay vi phạm theo thẩm quyền (nếu có).
Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác bán vé, thực hiện kê khai, niêm yết giá của các hãng hàng không, tuyệt đối không để tình trạng tăng giá vé trái quy định.
Vụ Vận tải được giao trách nhiệm chủ động theo dõi, kịp thời tham mưu cho Bộ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác kiểm tra hoạt động vận tải, phục vụ hành khách. Cùng đó, tăng cường các giải pháp phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân, bình ổn giá vé, không để xảy ra tình trạng tăng giá vé trái quy định, đặc biệt là dịp cao điểm hè sắp tới, trên nguyên tắc hài hòa lợi ích, quyền lợi của doanh nghiệp và nhu cầu của người dân.
Các đơn vị được yêu cầu khẩn trương triển khai thực hiện, báo cáo Bộ GTVT kết quả thực hiện trước ngày 10/5.
Trước đó, các hãng hàng không lý giải, việc giá vé máy bay tăng do các hãng hàng không Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng sụt giảm số lượng tàu bay.
Nguyên nhân đầu tiên đến từ việc Nhà sản xuất động cơ Pratt&Whitney (PW) triệu hồi động cơ PW1100 để kiểm tra và sửa chữa chuyên sâu nhằm khắc phục lỗi sản xuất (ước tính có thể ảnh hưởng đến 600-700 động cơ đang khai thác trên các đội bay hoạt động trên toàn thế giới).
Đây là các động cơ này đang được sử dụng trên một số tàu bay A321NEO khai thác bởi Vietnam Airlines và VietJet Air. Sự việc này làm cho một số tàu bay phải dừng khai thác trong năm 2024 và năm 2025.
Cùng đó, hai hãng hàng không Pacific Airlines và Bamboo Airways thực hiện việc tái cơ cấu đội tàu bay nhằm tối ưu công tác quản trị, tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, ổn định hoạt động khai thác trong giai đoạn này và chờ thị trường khôi phục, phát triển trở lại trong giai đoạn tới đây.
Bên cạnh việc sụt giảm quy mô đội tàu bay, các hãng hàng không Việt Nam còn phải đối mặt với những khó khăn rất lớn về khả năng bảo đảm nguồn lực tài chính để duy trì hoạt động (một vấn đề phát sinh và kéo dài từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát) cũng như những khó khăn tác động từ hệ lụy của những vấn đề toàn cầu (xung đột quân sự, khả năng tăng trưởng trở lại của các quốc gia trên thế giới, áp lực về tỷ giá, lãi suất, giá nhiên liệu hàng không, các yêu cầu về bảo vệ môi trường...).
Riêng về nhiên liệu (vốn chiếm gần 40 chi phí của các hãng hàng không), theo thông tin của Báo Giao thông, từ sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine bùng nổ, cộng thêm tình hình bất ổn tại khu vực Trung Đông, giá dầu toàn cầu tăng mạnh và giá nhiên liệu bay Jet A1 tăng cao.
Theo đại diện Cục Hàng không VN, các khó khăn này tạo thêm gánh nặng lên chi phí quản lý vận hành hoạt động và kéo theo những áp lực ảnh hưởng đến việc điều chỉnh tăng giá vé máy bay, đặc biệt trong những giai đoạn nhu cầu thị trường có sự gia tăng như trong các kỳ nghỉ lễ, Tết và mùa du lịch.