Vinh danh Thẩm phán

Tòa án Bắc Kạn với phiên xử rút kinh nghiệm án hình sự

Phương Anh (t/h) 20/04/2024 - 17:29

Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Kạn vừa tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng xét xử các vụ án hình sự theo yêu cầu cải cách tư pháp mà Tòa án nhân dân Tối cao đã hướng dẫn, chỉ đạo.

Phiên tòa rút kinh nghiệm là vụ án hình sự phúc thẩm xét xử đối với bị cáo Nông Văn T. (SN 1994), trú tại tổ Bản Vẻn, phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn, bị Tòa án nhân dân thành phố Bắc Kạn xét xử sơ thẩm về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”, do có kháng cáo của bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Phiên tòa rút kinh nghiệm do ông Lương Văn Cường, Thẩm phán Cao cấp, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Kạn làm Chủ tọa và 02 Thẩm phán trung cấp là thành viên của Hội đồng xét xử.

Tại phiên tòa, Thẩm phán chủ tọa đã thể hiện kỹ năng điều hành và xét hỏi tốt, tạo điều kiện để kiểm sát viên, bị cáo thực hiện quyền của mình; kết quả tranh tụng tại phiên tòa được coi trọng.

Căn cứ nhân thân, tính chất mức độ, hành vi phạm tội; những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo tại cấp sơ thẩm và các tình tiết giảm nhẹ mới tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 355 và điểm c khoản 1 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự, chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nông Văn T., sửa Bản án hình sự sơ thẩm số: 16/2024/HS-ST ngày 19/01/2024 của Tòa án nhân dân thành phố Bắc Kạn. Áp dụng điểm c khoản 1 Điều 249; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Nông Văn T. 12 tháng tù về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.

untitled-2-8905-1-.jpg
Phiên tòa xét xử bị cáo Nông Văn T.

Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, Tòa án nhân dân tỉnh đã tổ chức cuộc họp rút kinh nghiệm với tinh thần nghiêm túc và cầu thị nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế trong quá trình xét xử vụ án. Do công tác chuẩn bị tốt nên phiên tòa rút kinh nghiệm đã đạt hiệu quả cao.

Việc tổ chức phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm là một trong những biện pháp thực hiện yêu cầu cải cách tư pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử, góp phần hạn chế những thiếu sót về trình tự thủ tục tố tụng tại phiên tòa, tránh việc xét xử oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Đây cũng là cơ hội tốt để các Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án trong đơn vị nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, học hỏi nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong công tác giải quyết, xét xử, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.

Phương Anh (t/h)