Điều tra

“Cắt tai mài vỏ” bình gas, cần chế tài đủ mạnh

Văn Nam 12/04/2024 - 15:05

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh LPG “khóc ròng” khi phát hiện hàng nghìn vỏ bình gas là tài sản của họ bị chiếm dụng, cạo sửa hoán cải, thậm chí đem đi “nấu cao” tiêu hủy tại các nhà máy thép. Đây không chỉ là chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh, mà còn là hành vi chiếm đoạt tài sản, hủy hoại tài sản đã xảy ra từ lâu nhưng doanh nghiệp vẫn trông chờ việc xử lý…

Cần chế tài hình sự

g.png
Hàng nghìn vỏ bình gas của nhiều công ty bên trong kho hàng ở xã Tây Xuân

Theo ông Nguyễn Đăng Khánh, Phó giám đốc Công ty TNHH Dầu khí Quảng Bình, thời gian qua, việc xử lý những vụ việc liên quan đến chiếm dụng vỏ bình gas vẫn chưa đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm.


Tháng 3/2022, ngành chức năng bắt quả tang công nhân Công ty TNHH Nhật Tiến (Cụm công nghiệp Phú An, xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) đang tiến hành đục và in sơn đỏ trọng lượng vỏ chai lên các chai LPG của các công ty khác… Đơn vị hữu trách sau đó đã tạm giữ 2.112 chai LPG sai phạm. Đến tháng 5/2023, UBND huyện Tây Sơn đã có quyết định xử phạt hành chính với số tiền 165 triệu đồng đối với những sai phạm của Công ty TNHH Nhật Tiến.

Dẫn dắt vụ việc trên để nói một vụ việc vừa xảy ra mới đây. Đó là vào ngày 11/3/2024, Công an huyện Tây Sơn bắt quả tang một kho hàng chứa hàng nghìn vỏ bình gas của nhiều công ty. Trong số đó, có rất nhiều vỏ bình gas đã bị đốt cháy lớp sơn bên ngoài để chuẩn bị sơn mới. Tại đây, còn có vô số chân đế, quai xách vỏ bình gas làm sẵn để phục vụ cho việc hoán cải vỏ bình. Điều đáng nói là kho chứa vỏ bình này chỉ cách vài trăm mét với trạm chiết gas và xưởng sửa chữa vỏ chai LPG của Công ty TNHH Nhật Tiến, ông Khánh cho biết.

g1.jpg
Vỏ bình gas bị đốt cháy hết sơn để chuẩn bị “cải lão hoàn đồng” tại kho hàng ở xã Tây Xuân vừa được phát hiện ngày 11/3/2024

Cũng liên quan hành vi nói trên, vào ngày 18/3/2024, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương phát hiện xe biển số 68E-00732 và xe đầu kéo biển số 68H-01952 mang theo rơ-moóc biển số 68R-0046 (tất cả đều do ông B.C.K, trú xã Bình Minh, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang làm chủ) chở hàng nghìn vỏ bình của rất nhiều công ty gas. Điều đáng nói, tất cả vỏ bình trên đều đã bị tháo van đầu bình, đến tập kết trong sân của Công ty Thiên Thai - TNHH (khu phố Bình Chánh, phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Hai bên đang chuẩn bị tiến hành mua bán để nấu phế liệu và tiêu hủy hàng nghìn vỏ bình thì bị phát hiện.

“Các hành vi nói trên là phạm vào tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo Điều 172 và tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017”, luật gia Lê Văn Cường cho biết.

g2.jpg
Hàng nghìn bình gas đã bị tháo hết van đầu bình bị bắt giữ tại Công ty Thiên Thai - TNHH ngày 18/3/2024 đang tạm giữ tại kho tang vật tỉnh Bình Dương

Ngoài việc gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cho doanh nghiệp kinh doanh LPG, các hành vi vi phạm nêu trên còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người sử dụng.

Đơn cử một vụ việc là vào chiều tối 21/1/2024, tại điểm thu gom vỏ bình gas ở khu vực Lân Thạnh 1 (phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) đã bất ngờ phát nổ rồi bốc cháy dữ dội. Vụ nổ khiến 4 người thương vong. Hiện trường vụ nổ cho thấy có hàng trăm vỏ bình gas nằm la liệt. Một lãnh đạo UBND phường Trung Kiên cho biết, đây là điểm phế liệu, thu mua bình gas cũ về vệ sinh, sơ chế thành bình gas mới.

Thời gian qua, liên tiếp các vụ nổ bình gas xảy ra gây chết người. Trong đó, có những vụ do quá trình sử dụng thì bình gas kém chất lượng nên phát nổ mà nguyên nhân chủ yếu là do vỏ bình gas đã bị “cắt tai mài vỏ”. Thế nhưng, việc xử lý vấn nạn này đến nay vẫn chưa có chế tài đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe.

g3.jpg
Vụ nổ ngày 21/1/2024 tại điểm thu gom vỏ bình gas ở Cần Thơ khiến 4 người thương vong

“Các vụ việc chiếm dụng vỏ bình gas khi bị phát hiện hầu hết chỉ dừng ở mức xử lý hành chính, khiến tình trạng này vẫn diễn ra tràn lan, trong khi lợi nhuận từ việc chiếm dụng này là rất lớn. Chúng tôi mong rằng cần phải có những chế tài xử lý hình sự các hành vi này để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, đặc biệt đem lại sự an toàn cho các khách hàng sử dụng, bởi nguy cơ cháy nổ từ những bình gas không đạt chuẩn này là rất lớn”, ông Khánh mong mỏi.

Máu đã đổ nhưng…

Theo tìm hiểu của PV, để chủ động bảo vệ thương hiệu của mình, các doanh nghiệp kinh doanh LPG đã tự tìm cách cứu lấy mình. Cụ thể, khi phát hiện cá nhân, tổ chức có dấu hiệu thu gom, chiếm dụng vỏ bình gas của công ty mình, lãnh đạo doanh nghiệp sẽ cắt cử nhân viên phát triển thị trường ở địa bàn đến tìm hiểu, ghi nhận thực tế. Sau đó, doanh nghiệp sẽ có đơn trình báo gửi đến các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ để xử lý.

Nhưng, việc theo dõi các hành vi chiếm dụng vỏ bình gas trái phép là rất khó, bởi các đối tượng sai phạm hoạt động rất tinh vi. Các đối tượng sử dụng xe chở vỏ bình gas từ tỉnh này qua tỉnh khác để tập kết, xử lý. Các đối tượng thường phân bổ kho chứa ở nơi hiểm trở, nhà xưởng kín và được lắp camera canh phòng cẩn thận. Khi phát hiện bị theo dõi hay bị lộ, các đối tượng sẽ nhanh chóng tẩu tán tang vật vi phạm.

Các doanh nghiệp “bẩn” thuê rất nhiều “dân anh chị” tại các tỉnh để đi thu gom, vận chuyển vỏ bình gas của các doanh nghiệp kinh doanh chân chính. Những đối tượng này rất manh động nên việc nhân viên công ty gas theo dõi rồi bị các đối tượng sai phạm đe dọa, dằn mặt hoặc bị đánh đập, đối mặt với hiểm nguy là câu chuyện rất bình thường.

g4.jpg
Nhiều vết bầm tím trên lưng của nhân viên một doanh nghiệp kinh doanh LPG ở miền Trung sau khi bị đánh ngày 11/3/2024

Vụ việc xảy ra vào ngày 11/3/2024 tại khu vực Liêm Trực (phường Bình Định, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) là một điển hình. Theo đó, nhân viên của một doanh nghiệp kinh doanh LPG ở miền Trung đã bị hơn chục “dân anh chị” đánh tới tấp khi đang theo dõi một kho chứa vỏ bình gas trái phép tại địa chỉ nói trên. Công an phường Bình Định sau đó đã vào cuộc điều tra. Hiện nay, bị hại đang chờ kết quả điều tra, xử lý của ngành chức năng.

Thậm chí, khi đã bị các cơ quan chức năng bắt giữ và thu giữ tang vật, các doanh nghiệp kinh doanh “bẩn” và các đối tượng “dân anh chị” còn làm đơn tố cáo ngược lại cơ quan chức năng.

Mặc dù vấn nạn “cắt tai mài vỏ” này đã tồn tại từ lâu và đã được nhiều lần đề cập, tuy nhiên việc xử lý vi phạm vẫn như "muối bỏ bể". Do vậy, cần phải có biện pháp xử lý mạnh mẽ hơn từ phía cơ quan chức năng và sự hợp tác chặt chẽ từ các doanh nghiệp để ngăn chặn, xử lý tình trạng này một cách triệt để.

Văn Nam