Cà phê tiếp tục khan hàng tại Việt Nam
Tại thị trường nội địa, giá cũng liên tục tạo đỉnh mới, thậm chí mức tăng còn “chóng mặt” hơn giá cà-phê thế giới. Nhưng tình hình khan hiếm nguồn cung tại các khu vực trồng cà-phê trọng điểm mới là yếu tố chính hỗ trợ cho giá Robusta.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc phiên giao dịch 27/3, giá cà phê Robusta bật tăng 2,71%, tạo đỉnh mới trong 30 năm, giá Arabica tăng thêm 1,38%, lên mức cao nhất trong ba tuần. Tình hình khan hàng tại Việt Nam tiếp tục đẩy giá Robusta tăng mạnh, kéo theo giá Arabica đi lên.
Như vậy, giá cà phê Robusta đã tăng mạnh đến hơn 3% tại sàn London. Đà tăng được hỗ trợ sau thông tin về các nguồn cung chủ chốt ở châu Á thông báo giảm mạnh.
Đà tăng được hỗ trợ sau khi Hiệp hội Cà phê - Cao cao Việt Nam (Vicofa) dự báo xuất khẩu cà phê niên vụ 2023/2024 của Việt Nam sẽ giảm 20% so với niên vụ trước, xuống còn 1,336 triệu tấn do thời tiết khô hạn làm giảm năng suất và sản lượng cà phê.
Ngoài ra, thông tin găm hàng đã tác động mạnh mẽ lên diễn biến giá cà-phê Robusta trên Sở ICE-EU. Điều này càng cho thấy vai trò quan trọng của cà-phê Việt Nam trên bản đồ thị trường cà-phê thế giới.
Theo USDA, Việt Nam đang là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà-phê Robusta lớn nhất thế giới. Trung bình, lượng xuất khẩu cà-phê trong một năm của Việt Nam vào khoảng 1,6 triệu tấn (tương đương 26-27 triệu bao loại 60kg), cao gấp hơn hai lần tổng lượng cà-phê Robusta xuất khẩu của hai quốc gia đứng sau là Brazil và Indonesia, với khoảng 11 triệu bao.
Hiện khối lượng cà phê giao dịch khá cao cho thấy, nhu cầu là có thật, đồng nghĩa với xu hướng tăng vẫn thống trị thị trường và mốc giá lịch sử đang đến rất gần. Nguồn cung thấp trong khi nhu cầu cao có thể đẩy giá cà phê Robusta nhân xô tại thị trường nội địa Việt Nam đạt mức cao kỷ lục 100.000 đồng/kg trong tuần này.
Bên cạnh tình trạng nguồn cung bị gián đoạn do xung đột tại Biển Đỏ, thông tin nông dân và thương nhân tại Việt Nam cố tình “găm cà phê” để chờ giá cao hơn đã gây tâm lý lo ngại cho thị trường về việc thiếu hụt nguồn cung Robusta và đẩy giá cà phê chạm đỉnh.
Về phía Arabica, bên cạnh lực kéo từ giá Robusta, tồn kho cà phê vẫn ở mức thấp tại các thị trường tiêu thụ chính đã góp phần hỗ trợ giá tăng.
Nhận định về thị trường cà-phê trong thời gian tới, ông Dương Đức Quang Phó Tổng Giám đốc MXV cho biết: “Việt Nam vẫn sẽ là thị trường tiêu điểm của cà-phê Robusta trong nửa đầu năm 2024, trước khi Brazil bắt đầu vụ mới. Hơn thế, tình trạng nguồn cung và triển vọng vụ mới của nước ta đang không mấy khả quan, khả năng cao sẽ thúc đẩy giá Robusta tiếp tục neo ở mức cao trong đầu quý II/2024”.