Bỏ khám sức khỏe khi cấp bằng lái xe là không đúng
Bộ Y tế vừa ban hành quyết định công bố bãi bỏ 12 thủ tục hành chính,... Nhiều người đã cho rằng, việc bãi bỏ này đồng nghĩa với việc không cần khám sức khỏe khi thi, đổi bằng lái xe.
Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bệnh viện, Viện trực thuộc Bộ Y tế; Bệnh viện trực thuộc trường Đại học; Y tế Bộ, ngành về việc hướng dẫn văn bản liên quan công tác khám sức khỏe.
Về vấn đề liên quan đến việc bãi bỏ thủ tục hành chính này là đồng nghĩa với việc không cần khám sức khỏe trước khi thi bằng lái xe, Bộ Y tế cho biết, thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 và Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, ngày 31/12/2023, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư số 32/2023/TT-BYT quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Theo quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 31/10/2017 của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính, ngày 06/02/2024, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyết định số 295/QĐ-BYT về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành và bị bãi bỏ thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ Y tế quy định tại Thông tư số 32/2023/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Tại Quyết định số 295/QĐ-BYT đã bãi bỏ 12 thủ tục hành chính, trong đó 09 thủ tục hành chính từ số 01 đến số 09, cụ thể:
1.Cấp Giấy chứng nhận sức khỏe cho thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam theo tiêu chuẩn quy định tại phụ lục I.
2. Cấp Giấy chứng nhận sức khỏe cho thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam theo tiêu chuẩn sức khỏe tại Phụ lục I nhưng mắc một hoặc một số bệnh, tật quy định tại phụ lục II.
3. Khám sức khỏe định kỳ cho thuyền viên làm trên tàu biển Việt Nam.
4. Cấp giấy khám sức khỏe cho người lái xe.
5. Khám sức khỏe định kỳ cho người lái xe ô tô.
6. Cấp giấy khám sức khỏe cho người từ đủ 18 tuổi trở lên.
7. Cấp giấy khám sức khỏe cho người chưa đủ 18 tuổi.
8. Cấp giấy khám sức khỏe cho người mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
9. Khám sức khỏe định kỳ.
Nhiều người đã cho rằng việc bãi bỏ thủ tục hành chính này là đồng nghĩa với việc không cần khám sức khỏe trước khi thi lấy bằng lái xe.
Bộ Y tế cho biết các thủ tục trên là quy trình, kỹ thuật chuyên môn được cán bộ y tế triển khai thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được phân công thực hiện theo quy định tại khoản 20, Điều 2, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023: "Khám sức khỏe" là việc khám bệnh để xác định tình trạng sức khỏe, phân loại sức khỏe hoặc phát hiện, quản lý bệnh.
Theo quy định mới (Điều 2 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023), đây "không phải là thủ tục hành chính nữa mà là quy trình, kỹ thuật chuyên môn được cán bộ y tế triển khai thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được phân công".
Việc bãi bỏ thủ tục hành chính số 10: “Công bố cơ sở đủ điều kiện thực hiện khám sức khỏe lái xe theo thẩm quyền của Bộ Y tế và các Bộ, ngành khác” và thủ tục hành chính số 11: “Công bố cơ sở đủ điều kiện thực hiện khám sức khỏe lái xe theo thẩm quyền của Sở Y tế” bị bãi bỏ do đã được quy định tại Quyết định số 159 ngày 18/1 của Bộ Y tế, theo giải thích của Bộ Y tế.
Bởi vậy, Đại diện Bộ Y tế khẳng định khi thi bằng lái xe, đổi giấy phép lái xe, người dân vẫn cần thực hiện khám sức khỏe và xuất trình giấy khám sức khỏe lái xe như quy định trước đây.
Bộ Y tế yêu cầu Thủ trưởng Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bệnh viện, Viện trực thuộc Bộ Y tế; Bệnh viện trực thuộc trường Đại học; Y tế Bộ, ngành phổ biến, quán triệt, hướng dẫn, kiểm tra các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý nghiêm túc thực hiện quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023; Nghị định số 96/2023/NĐ-CP; Thông tư số 32/2023/TT-BYT; Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT ngày 21/8/2015; Thông tư số 22/2017/TT-BYT ngày 12/5/2017… và các quy định có liên quan trong triển khai thực hiện việc khám và cấp giấy khám sức khỏe nói chung.