Hàng nghìn vỏ “lậu” bị lộ, người kinh doanh LPG nói gì?
Thị trường kinh doanh LPG liên tục xảy ra hiện tượng thu gom chiếm dụng vỏ bình, cắt tay mài vỏ và hủy hoại tài sản của các đơn vị kinh doanh gas? Phải chăng việc xử lý còn quá nhẹ các tổ chức, cá nhân vi phạm...
Ngày 18/3, tại Công ty Thiên Thai - TNHH (khu phố Bình Chánh, phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng - kinh tế và buôn lậu Công an tỉnh Bình Dương đã tiến hành kiểm tra và tạm giữ hàng nghìn bình gas đã bị tháo hết van đầu bình, chuẩn bị dập nát để nấu phế liệu của nhiều thương hiệu gas lớn trên thị trường.
Vụ việc hiện vẫn đang được lực lượng chức năng đấu tranh mở rộng điều tra.
Trước đó, ngày 11/3, căn cứ nguồn tin báo đã được thẩm tra, xác minh, lực lượng Công an thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định) phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 4 (thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định) tiến hành khám kho hàng tại phường Bình Định (thị xã An Nhơn) do ông N.TM. (ngụ phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) làm chủ.
Theo ông Trần Đức Tiến - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định, tại thời điểm khám, lực lượng chức năng phát hiện trong kho hàng đang chứa 2.085 chai LPG, vỏ bình gas loại 12kg, mang các nhãn hiệu PM gas (40 chai), Petrol Power CHH (1.557 chai), Green Petrol QTH (488 chai), không có hóa đơn chứng từ, hồ sơ nguồn gốc pháp lý. Đội QLTT số 4 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định pháp luật.
Tương tự, tại một kho hàng nằm trên địa bàn xã Tây Xuân (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), một số doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực LPG tại khu vực miền Trung phát hiện có hiện tượng nghi vấn chiếm dụng hàng nghìn vỏ bình gas trái phép (số lượng lớn hơn kho hàng ở phường Bình Định) và đã phản ánh đến Công an huyện. Hiện nay, các cơ quan chức năng địa phương đang vào cuộc điều tra, làm rõ.
Theo đại diện doanh nghiệp LPG tại khu vực miền Trung, hiện nay, kinh doanh LPG đang gặp rất nhiều khó khăn, do tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật trong mua bán LPG.
Cụ thể, một số đối tượng tiến hành thu gom vỏ chai LPG của các công ty, rồi đem về cắt chân đế có dập logo doanh nghiệp, cắt quai xách có dập chìm các chữ về thông số kỹ thuật, mài mòn chữ nổi tên các thương hiệu gas… Sau đó, các đối tượng sơn mới đổi màu và sơn logo khác, rồi đưa ra thị trường tiêu thụ.
“Người tiêu dùng nếu sử dụng những bình gas này sẽ rất nguy hiểm. Chẳng hạn bình gas bị mài mòn chữ nổi sẽ dễ xảy ra cháy nổ vì độ dày của vỏ LPG bị mỏng đi. Người tiêu dùng muốn nhận biết thật hay giả, cách dễ nhất là kiểm tra trước van đầu bình, nếu không có chữ - logo dập nổi của công ty thì đó là giả”, đại diện một doanh nghiệp tại khu vực miền Trung cho biết.
Cũng theo vị này, thậm chí, có những doanh nghiệp chơi trò “triệt tiêu đối phương” trên thị trường bằng cách “nấu cao”, tức là tháo van đầu bình rồi đục thủng bình gas, sau đó đưa đến các nhà máy thép bán.
Những hành vi nói trên đã xâm phạm trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng cũng như quyền lợi của các đơn vị kinh doanh. Tại sao hiện nay trên thị trường kinh doanh LPG liên tục xảy ra hiện tượng thu gom chiếm dụng vỏ bình, cắt tay mài vỏ và hủy hoại tài sản của các đơn vị kinh doanh gas? "Phải chăng quản lý nhà nước còn bỏ ngỏ hoặc xử lý quá nhẹ các tổ chức, cá nhân vi phạm”, một người kinh doanh lĩnh vực này đặt câu hỏi.
Liên quan đến các hành vi vi phạm vừa đề cập, luật gia Lê Văn Cường cho biết, nó rất nguy hiểm, có nguy cơ làm mất an toàn cháy nổ do không được bảo hiểm, bảo dưỡng và kiểm định định kỳ. Từ đó, dẫn đến vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh LPG tại Nghị định 87/2018/NĐ-CP, Nghị định 99/2020/NĐ-CP và Điều 226 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”.
Đặc biệt, hành vi tháo van đầu bình rồi đục thủng bình gas, sau đó đưa đến các nhà máy thép bán là phạm tội “Cố ý hủy hoại hoặc làm hư hại tài sản” theo Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015, ông Cường khẳng định.