Sai phạm chồng chất, SCB vẫn “êm” sau các đợt thanh tra
Khi thâu tóm cổ phiếu, kiểm soát SCB, bị cáo Lan đã lũng đoạn, gây ra hàng loạt sai phạm tại ngân hàng này. Nhưng bằng các chiêu thức mua chuộc, SCB vẫn “xuôi” qua các đợt thanh tra của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước.
Thanh tra phát hiện nhiều sai phạm
Theo kế hoạch thanh tra tại Ngân hàng SCB sẽ chia làm 2 đợt. Đợt 1, ngày 1/8/2017, ông Nguyễn Văn Hưng- Phó Chánh thanh tra giám sát ngân hàng Nhà nước (TTGSNHNN) ban hành quyết định 315/QĐ- TTGSNHNN thành lập đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra SCB, do Cơ quan TTGSNHNN chủ trì phối hợp với Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia. Bà Đỗ Thị Nhàn là Vụ trưởng Vụ Thanh tra giám sát các tổ chức tín dụng (Vụ I) làm Trưởng đoàn Thanh tra. Đoàn thanh tra thanh tra tại Hội sở và 12 chi nhánh của ngân hàng SCB.
Kết quả xác định, phát hiện rất nhiều sai phạm tại các nội dung thanh tra như: SCB không chấp hành các quy định tại Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 và các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước trong việc cho vay, xử lý lãi dự thu hầu hết đều có rủi ro mất vốn.
Đợt 2, ngày 12/3/2018, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục thanh tra các sai phạm tại SCB. Trong các nội dung thanh tra, có nội dung: “Kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng SCB đối với các doanh nghiệp liên quan đến tập đoàn Vạn Thịnh Phát và gia đình bà Trương Mỹ Lan”. Ngày 10/4/2018, Phó Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước ký quyết định số 85/QĐ- TTGSNHNN gia hạn thời gian thanh tra tại SCB. Sau đó, bà Đỗ Thị Nhàn ký kế hoạch thanh tra, mục đích: “Làm rõ các vi phạm trong hoạt động cấp tín dụng và cho vay, dịch chuyển dòng tiền, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, kiến nghị chuyển cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo quy định. Xác định thực trạng cấp tín dụng, sử dụng tiền vay, quan hệ sở hữu của nhóm Vạn Thịnh Phát và Trương Mỹ Lan đối với nhóm 71 khách hàng có địa chỉ tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai”.
Báo cáo kết quả thanh tra ngày 11/1/2018 của Đoàn đã thể hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng tại SCB. Về hoạt động cấp tín dụng, về các khoản lãi, phí phải thu, xử lý nợ xấu, thực hiện tái cơ cấu theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, sai phạm trong quản trị điều hành… từ đó, báo cáo nhấn mạnh “đủ điều kiện đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt”.
Nhận hối lộ, bưng bít, báo cáo khống
Tuy nhiên, trưởng đoàn thanh tra Đỗ Thị Nhàn cùng chỉ đạo cấp dưới làm trái quy định pháp luật. Bị cáo Nhàn đã chỉ đạo Tổ tổng hợp (Nguyễn Thị Phụng, Nguyễn Tuấn Anh, Vũ Khánh Linh, Bùi Tuấn Khoa) chỉnh sửa, bỏ đi số liệu để bao che sai phạm tại SCB. Mặc dù, thời điểm thanh tra SCB đủ điều kiện phải đưa vào diện kiểm soát đặc biệt (dạng kiểm soát báo động lĩnh vực ngân hàng), nhưng khi trình lên thì Phó chánh thanh tra Nguyễn Văn Hưng đã chỉ đạo bỏ nội dung này ra khỏi báo cáo của Ngân hàng Nhà nước để báo cáo Chính phủ tại cuộc họp ngày 12/3/2018.
Cáo trạng nêu, các cá nhân có thẩm quyền gồm Nguyễn Văn Hưng, Đỗ Thị Nhàn, Tổ tổng hợp đã không sử dụng các dữ liệu của Trung tâm tổ chức tín dụng (theo dõi tình trạng tín dụng của khách hàng), chỉnh sửa, báo cáo không trung thực. Khi báo cáo lại Chính phủ, đã kiến nghị: “Đề xuất Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện cho SCB thực hiện thành công tái cơ cấu, cho phép SCB xây dựng đề án tái cơ cấu điều chỉnh”. Những người có thẩm quyền còn điều chỉnh kế hoạch thanh tra không đúng chỉ đạo của Chính phủ. Dự thảo kết luận thanh tra không khách quan, trái pháp luật.
Đặc biệt, những người có thẩm quyền đã nhận tiền, quà, lợi ích vật chất khác của SCB để làm trái công vụ hàng trăm ngàn đô la Mỹ, tiền Việt và các tài sản khác. Cáo trạng nêu: Nguyễn Văn Hưng- Phó chánh Thanh tra, chỉ đạo trực tiếp Đỗ Thị Nhàn- Trưởng đoàn Thanh tra thực hiện chỉ đạo của Nguyễn Văn Hưng trực tiếp chỉ đạo Nguyễn Thị Phụng và tổ tổng hợp lập, chỉnh sửa báo cáo thanh tra, dự thảo kết luận thanh tra.
Các thành viên của Đoàn đã đồng ý, thực hiện các chỉ đạo, bao che, báo cáo không trung thực sai phạm của SCB lên Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ. Hệ quả, không kịp thời ngăn chặn bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm rút, sử dụng tiền của SCB trái pháp luật, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng lên tới 514.102 tỷ đồng.