Tài chính

Lào muốn bán hơn 4.000 MW điện gió cho Việt Nam

Hải Long 26/02/2024 - 20:47

EVN cho biết, đã nhận được đề xuất từ 7 dự án điện gió của Lào, tổng công suất gần 4.150 MW, muốn bán điện cho Việt Nam.

Nguồn điện cho miền Trung và miền Nam sẽ đảm bảo tới 2030, nếu các nguồn mới trong Quy hoạch điện 8 bảo đảm tiến độ hoàn thành. Thế nhưng với miền Bắc, cung ứng điện trong các tháng cuối mùa khô (khoảng từ tháng 5 - 7 hàng năm) từ nay đến năm 2030 sẽ hết sức khó khăn và khu vực này dự báo sẽ thiếu điện từ năm 2025.

Chưa có dự án điện mới nào để kịp đưa vào sử dụng tại thị trường miền Bắc trong giai đoạn này. Do vậy, nhập khẩu điện từ Lào sẽ hỗ trợ giảm nguy cơ thiếu điện cho các năm tới. Việc này cũng giúp hạ chi phí mua điện khi tỷ trọng các nguồn giá rẻ như thủy điện giảm dần và các nguồn giá cao như khí LNG, điện gió ngoài khơi… có xu hướng tăng, theo Quy hoạch điện VIII.

dien-gio-lao.png
Ảnh minh hoạ

Trên thực tế, Việt Nam nhập khẩu điện từ Lào (chủ yếu thủy điện) từ 2016 và Trung Quốc từ 2005 qua các thỏa thuận hợp tác liên Chính phủ. Việc tăng mua điện từ các nước láng giềng cũng được Bộ Công Thương đưa vào kế hoạch cung cấp, vận hành điện năm nay.

EVN cho biết, đã nhận được đề xuất từ 7 dự án điện gió của Lào muốn bán điện cho Việt Nam, với tổng công suất gần 4.150 MW. Trong số trên, công suất nhà đầu tư Lào đề nghị bán trước năm 2025 là hơn 682 MW, số còn lại sau thời gian này. Các dự án điện gió từ Lào dự kiến đưa về Việt Nam qua đường dây truyền tải khu vực Quảng Trị. Tức là lượng điện mua về sẽ phụ thuộc lớn vào các hạ tầng khu vực này.

Tuy nhiên, điều này đang vượt khả năng tiếp nhận của lưới điện khu vực. Bởi, thực tế phần lớn các đường dây 200 kV, 110 kV tại đây thường xuyên vận hành ở mức 80-100% công suất cho phép. Riêng các tháng mùa khô (tháng 5-7), khu vực này chỉ tiếp nhận được tối đa 300 MW, và nhận thấp hơn mức này vào các tháng còn lại trong năm.

Khi bổ sung thêm hạ tầng lưới, trạm biến áp 500 kV Hướng Hóa và các đường dây đấu nối (dự kiến từ cuối 2027), khả năng nhận điện từ Lào tăng lên 2.500 MW. Nhưng mức này cũng thấp hơn gần 1.650 MW các nhà đầu tư muốn bán cho Việt Nam.

Việc có thêm tỷ trọng năng lượng tái tạo cũng khiến vận hành, điều độ hệ thống điện khó khăn. Đến cuối 2023, tỷ trọng các nguồn điện tái tạo trong nước chiếm trên 27% tổng công suất toàn hệ thống. Tỷ trọng này dự kiến tăng lên 34% vào 2030, theo Quy hoạch điện VIII.

Hải Long