Môi trường

Thái Bình: Bãi vật liệu xây dựng hoạt động trái phép trên sông Trà Lý

Lê Trung Anh 25/02/2024 - 07:53

Gia đình ông Trần Đình Ba, thôn Mễ Sơn 1, xã Tân Phong, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, ngang nhiên xây dựng bến bãi tập kết vật liệu xây dựng lấn sông, phá kè để làm 3 mố cầu, vi phạm hành lang thoát lũ suốt nhiều năm bất chấp “lệnh cấm” từ chính quyền địa phương.

Nhiều người dân sinh sống tại thôn Mễ Sơn 1, xã Tân Phong, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, phản ánh thông tin về việc một bến thủy nội địa, bãi tập kết vật liệu xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, lấn chiếm hành lang thoát lũ, vi phạm Luật Đê điều, xâm phạm kè sông Trà Lý.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, bến bãi tập kết vật liệu xây dựng này là của hộ gia đình ông Trần Đình Ba. Qua ghi nhận thực tế, khu vực này có diện tích rộng khoảng hơn 3.000 m2, kéo dài hàng chục mét theo sông Trà Lý.

Bến bãi được đấu nối thẳng vào đê sông Trà Lý. Trên khuôn viên bến bãi tập kết vật liệu xây dựng của gia đình ông Ba gồm 3 mố cầu được xây dựng kiên cố trên hành lang kè. Ngoài ra, trên khuôn viên bến bãi còn có hàng chục kiêu gạch, hàng trăm khối cát, hàng chục tấn xi măng cùng máy móc đang được tập kết trong khuôn viên bãi. Thời điểm chúng tôi ghi nhận tại đây cho thấy mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường.

Theo hồ sơ tài liệu thể hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình đã ban hành văn bản số 1363 và văn bản số 1730 vào các ngày 07/06/2022 và 07/07/2022 đề nghị UBND huyện Vũ Thư chỉ đạo các phòng, đơn vị thuộc UBND huyện Vũ Thư, UBND xã Tân Phong khẩn trương kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật tài nguyên và môi trường đối với việc bến bãi tập kết vật liệu xây dựng của hộ gia đình ông Ba.

774eddeb-aded-4a18-8d1f-7554dd6c0e49.jpg
Bến bãi tập kết VLXD trái phép của gia đình ông Trần Đình Ba (thôn Mễ Sơn 1, xã Tân Phong) xây dựng trái phép, lấn chiếm hành lang thoát lũ, vi phạm luật, xâm phạm kè sông Trà Lý.

Đồng thời, để đảm bảo việc chấp hành pháp luật về tài nguyên, môi trường và pháp luật khác có liên quan theo đúng quy định, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình đề nghị UBND huyện Vũ Thư khẩn trương chỉ đạo các phòng, đơn vị thuộc UBND huyện Vũ Thư, UBND xã Tân Phong giải quyết dứt điểm vụ việc và gửi kết quả giải quyết về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình trước ngày 31/7/2022.

Ngày 12/8/2022, UBND tỉnh Thái Bình đã có công văn số 470/ VP-NNTNMT gửi Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng; UBND huyện Vũ Thư về vụ việc này.

Theo đó, UBND tỉnh Thái Bình giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, UBND huyện Vũ Thư kiểm tra làm rõ hành vi vi phạm đối với bến bãi tập kết vật liệu xây dựng của gia đình ông Ba (thôn Mễ Sơn 1, xã Tân Phong, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Đồng thời, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định của pháp luật (nếu phát hiện sai phạm), báo cáo UBND tỉnh Thái Bình kết quả thực hiện trước ngày 30/8/2022.

3af98011-2fd6-44ef-b857-57c3f96ec803.jpg
Sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình yêu cầu UBND huyện Vũ Thư sớm xử lý vi phạm dứt điểm nhưng đến nay vẫn vậy.

Ngày 9/10/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình ra văn bản số 2384/SNNPTNT-TL về việc ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai quý III năm 2023. Trong đó, yêu cầu xử lý dứt điểm bến bãi của hộ gia đình ông Trần Đình Ba tại huyện Vũ Thư.

Tại văn bản này nêu: Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi và qua kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình, tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai quý III, năm 2023 tại các tuyến đê trên địa bàn các huyện, thành phố đang có diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2022 (Năm 2022 phát sinh 41 vụ vi phạm mới, đến năm 2023 tăng 42 vụ vi phạm mới).

Thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 07/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 18/CT-UBND 21/10/2019 của UBND tỉnh, đến nay toàn tỉnh đã xử lý được 508 vụ vi phạm, trong đó 331 vụ vi phạm tồn đọng của các năm trước), 56 bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng không nằm trong quy hoạch đã được giải tỏa hoặc buộc phải dừng hoạt động.

d3855986-0c9c-4516-804a-ea74849cf7e4.jpg
Bến bãi tập kết vật liệu xây dựng trái phép của gia đình ông Trần Đình Ba có diện tích rộng hơn 3.000 m2, hoạt động từ nhiều năm nay bất chấp lệnh cấm từ chính quyền sở tại.

Trong quý III, năm 2023, trên các tuyến đê vẫn phát sinh các vi phạm mới như làm nhà, công trình, trạm trộn, hàng quán, đào đất, chất tải vật tư…trong phạm vi bảo vệ đê điều và ngoài bãi sông.

Hạt quản lý đê điều các huyện, thành phố đã phát hiện kịp thời, lập biên bản đình chỉ, biên bản vi phạm hành chính, báo cáo kiến nghị với chính quyền địa phương xử lý. Đồng thời Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành các văn bản đôn đốc và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo xử lý vi phạm. Tuy nhiên ở một số địa phương, số vụ vi phạm xử lý được còn ít hoặc không xử lý dứt điểm nên số vụ vi tồn đọng từ những năm trước còn nhiều (Hưng Hà, Tiền Hải, Vũ Thư).

20-1701681488-ben-bai-khong-phep-tren-dia-ban-huyen-vu-thu-3.jpg
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình ra văn bản số 2384/SNNPTNT-TL về việc ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai Quý III năm 2023. Trong đó, yêu cầu xử lý dứt điểm bến bãi của hộ gia đình ông Trần Đình Ba tại huyện Vũ Thư.

Để thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn công trình đê điều, phục vụ công tác phòng chống thiên tai, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

Thực hiện trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc quản lý nhà nước về đê điều theo quy định tại Điều 43 Luật Đê điều.

Tập trung xử lý dứt điểm các vi phạm cũ còn tồn đọng trên các tuyến đê thuộc địa bàn; thực hiện theo nội dung các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Kiên quyết xử lý, giải tỏa các bến bãi ngoài bãi sông có chiều rộng bãi nhỏ hơn 20m, các trạm trộn bê tông xây dựng trái phép ngoài bãi sông, các bến bãi không nằm trong quy hoạch; yêu cầu rà soát, di dời toàn bộ các bến bãi trung chuyển, kinh doanh vật liệu xây dựng ngoài bãi sông, trong phạm vi bảo vệ đê điều trên địa bàn thành phố Thái Bình (2 bên bờ sông Trà Lý); các bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn các huyện quản lý không được tập kết vật liệu lấn chiếm hành lang bảo vệ đê, lên mặt đê, mái đê và hạ thấp chiều cao chất tải theo quy định.

Đối với các vụ vi phạm mới phát sinh: Kiên quyết xử lý dứt điểm ngay các vụ vi phạm mới phát sinh; chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn xử lý hoặc xử lý theo thẩm quyền sau khi nhận được biên bản vi phạm hành chính của cơ quan chuyên môn hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Đối với các vụ vi phạm tồn đọng: Xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý dứt điểm các vụ vi phạm tồn đọng, trong đó tập trung xử lý các vi phạm nghiêm trọng, nổi cộm, kéo dài, nhất là các công trình xây dựng trái phép trong phạm vi bảo vệ đê điều, trên bãi sông; chỉ đạo Ủy ban nhân dân và lực lượng Công an cấp xã phối hợp với lực lượng chuyên trách quản lý đê điều vận động từng chủ vi phạm tự giác giải tỏa, tháo dỡ; trường hợp không chấp hành, yêu cầu củng cố, hoàn thiện hồ sơ và tổ chức cưỡng chế theo quy định. Điển hình như một số vi phạm cũ còn tồn đọng tại các địa phương:

Ủy ban nhân dân huyện Vũ Thư tập trung xử lý các vi phạm về xây dựng, lắp đặt công trình trạm trộn, công trình ngoài bãi sông. Rà soát, xử lý các bến bãi hoạt động không phép, không có trong quy hoạch theo sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Văn bản số 3087/UBND-NNTNMT ngày 06/9/2023 về việc khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh (bến bãi không phép trên địa bàn xã Tân Phong đối với hộ gia đình ông Trần Đình Ba).

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV giữa trung tuần tháng 2 năm 2024 thì khu vực bến bãi của hộ gia đình ông Ba vẫn còn hàng trăm kiêu gạch, hàng nghìn khối cát cùng hàng trăm tấn xi măng đang được tập kết trái phép bên bờ sông Trà Lý. Mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường như chưa hề có “lệnh cấm” từ chính quyền địa phương.

Theo quy định tại Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai thì doanh nghiệp phải di dời toàn bộ vật liệu, thiết bị, máy móc và các vật cản lũ khác ra khỏi bãi sông để đảm bảo thoát lũ của sông trước ngày 15/6 hàng năm.

Công lý và Xã hội sẽ tiếp tục thông tin.

Lê Trung Anh