Mục tiêu xuất khẩu lâm sản gần 18 tỷ USD
Ngành lâm nghiệp Việt Nam năm 2024 đặt mục tiêu xuất khẩu 17,5 tỷ USD, vượt 21% so với kết quả ước đạt năm 2023.
Năm 2023 là năm khó khăn với ngành gỗ khi nền kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, chính sách bảo hộ của các quốc gia nhằm bảo hộ cho các sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước cũng ảnh hưởng tới thương mại sản phẩm gỗ của Việt Nam. Vì vậy, trong năm này xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 14,39 tỷ USD, giảm 15,8% so với năm 2022. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu sụt giảm nhưng ngành lâm nghiệp vẫn đạt mức xuất siêu ước đạt 12,199 tỷ USD.
Năm vừa qua, ngành gỗ Bình Dương chiếm 42 - 45% kim ngạch xuất khẩu cả nước, doanh số xuất khẩu khoảng 5 tỷ USD. Riêng Công ty Cổ phần Lâm Việt (Bình Dương), đây là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tương đối tốt trong năm 2023, nhưng kim ngạch cũng chỉ đạt 80% so với năm 2022, đa phần các doanh nghiệp khác ở Bình Dương, doanh số chỉ đạt 50 - 60%.
Năm 2023 đánh dấu một cột mốc rất quan trọng khi lần đầu tiên tại Việt Nam, trong lĩnh vực lâm nghiệp, đã hoàn thành các thủ tục để chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon cho Quỹ Đối tác Carbon trong Lâm nghiệp thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn CO2 tương đương 51,5 triệu USD. Đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận số tiền thanh toán đợt 1 từ WB là 41,2 triệu USD và đã giải ngân toàn bộ để các tỉnh khẩn trương lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng thuộc 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ.
Xét về thị trường xuất khẩu, Mỹ hiện là thị trường lớn nhất của ngành gỗ Việt Nam, nhưng nước này đang gia tăng tần suất các vụ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với ngành gỗ. Cuối năm 2023, Mỹ còn đưa ra yêu cầu về việc tuân thủ quy định về lao động và sử dụng lao động, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ càng thêm áp lực.
Với thị trường EU, ông Tô Xuân Phúc, Giám đốc điều hành Chương trình Chính sách, Thương mại và Tài chính lâm nghiệp (Tổ chức Forest Trends) cho biết, khoảng 77% tổng kim ngạch xuất khẩu sang EU là các mặt hàng thuộc nhóm đồ gỗ, gần 23% còn lại là các mặt hàng thuộc nhóm gỗ và bán nguyên liệu. 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường EU giảm 32% so với cùng kỳ.
Ông Tô Xuân Phúc nhận định: "Quy định không phá rừng (EUDR) của liên minh châu Âu sẽ tác động không nhỏ đến kim ngạch xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam sang thị trường này".
Tuy nhiên, Việt Nam đang tích cực nội luật hóa và xây dựng hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp để kiểm soát toàn bộ chuỗi cung, bao gồm cả chuỗi cung nội địa và xuất khẩu. Theo EUDR, gỗ có chứng chỉ FLEGT nhìn chung đáp ứng được các yêu cầu của EUDR về tính hợp pháp.
Về mục tiêu trong năm 2024, ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết, bước sang năm 2024, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu, kế hoạch phấn đấu tỉ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định 42,02%; tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 5-5,5%; trồng rừng tập trung 245.000 ha; trồng cây phân tán 140 triệu cây; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 23 triệu m3; kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản 17,5 tỷ USD...
Nếu kết quả kim ngạch xuất khẩu đạt 17,5 tỷ USD thực hiện được, kim ngạch xuất khẩu lâm sản năm tới sẽ vượt 21% so với ước thực hiện năm 2023 và vượt 3% so với năm 2022.