Người từ 18 tuổi mới được sử dụng flycam
Bộ Quốc phòng vừa trình hồ sơ dự án Luật Phòng không nhân dân, đề cập chi tiết đến việc quản lý sử dụng phương tiện bay siêu nhẹ (flycam). Trong đó, nội dung nổi bật được Bộ Quốc phòng đề xuất là người điều khiển tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ như flycam phải đủ 18 tuổi và được đào tạo, cấp chứng chỉ.
Flycam là phương tiện bay có gắn camera được điều khiển từ xa để chụp ảnh, quay video từ trên cao. Đây được xem là phương tiện bay siêu nhẹ và trước khi khai thác, sử dụng thì cá nhân sở hữu phải tiến hành đi đăng ký tại các cơ quan chức năng của Bộ Công an.
Bộ Tư pháp đang thẩm định dự án Luật Phòng không nhân dân do Bộ Quốc phòng chủ trì soạn thảo. Dự án luật quy định nguyên tắc, chính sách quản lý hoạt động của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không. Dự thảo luật bao gồm 55 điều, trong đó có 86 lần nhắc đến từ khóa “tàu bay không người lái”.
Người trực tiếp điều khiển tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ phải đủ 18 tuổi trở lên; được đào tạo kiến thức về hàng không và được cấp chứng chỉ theo quy định của Chính phủ; quá trình khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ không được sử dụng chất cấm theo quy định của pháp luật.
Bộ Quốc phòng cấp phép cho chuyến bay của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ. Bộ Công an cấp phép bay cho tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ của Bộ Công an.
Trường hợp cấp phép bay cho hoạt động bay trong khu vực cấm bay, hạn chế bay tại cảng hàng không, sân bay và các khu vực khác có ảnh hưởng đến hoạt động bay của tàu bay hàng không dân dụng, quân sự phải được sự thống nhất của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Quốc phòng.
Tàu bay không người lái phục vụ vui chơi giải trí có trọng lượng cất cánh tối đa nhỏ hơn 0,25 ki-lô-gam hoạt động ngoài khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay được miễn trừ cấp phép bay.
Bên cạnh đó, Dự án luật cũng trao quyền cho cơ quan chức năng đình chỉ chuyến bay, tạm giữ, bắt giữ, chế áp tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ. Trong đó, hoạt động bay sẽ bị đình chỉ nếu bay không đúng thời gian, độ cao, cự li, khu vực của giấy phép bay; phương tiện bay chưa được đăng ký, cấp phép; giấy phép bay đã hết hạn; trước khi bay không thông báo chuyến bay cho Trung tâm quản lý điều hành bay khu vực; không thực hiện quy định hiệp đồng bay với cơ quan quân sự địa phương…
Ngoài ra, theo Điều 31 Dự thảo Luật Phòng không nhân dân đã đưa ra các trường hợp đình tạm giữ, bắt giữ, chế áp phương tiện bay siêu nhẹ (có cả flycam) như: Tổ chức hoạt động bay khi chưa được cấp phép bay hoặc không có giấy phép bay; Bay vào khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay mà cơ quan có thẩm quyền đã cảnh báo vẫn cố tình bay vào, trừ các chuyến bay công vụ;
Xâm phạm khu vực cảng hàng không, sân bay hoặc khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay mà có khả năng gây mất an toàn cho hoạt động bay; Các hoạt động bay nhằm mục đích tuyên tuyền, kích động, lôi kéo, xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước và thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; Sử dụng phương tiện bay siêu nhẹ mang theo các chất cháy, chất nổ, chất gây nổ, vũ khi sinh học hoặc các chất cấm.
Ở Việt Nam, việc khai thác, sử dụng phương tiện bay không người lái ngày càng phổ biến, đa dạng. Các vụ việc vi phạm có chiều hướng phức tạp, nguy cơ đe dọa đến quốc phòng, an ninh, an toàn hàng không. Vì vậy, Bộ Quốc phòng cho rằng phải sớm xây dựng lực lượng phòng không nhân dân vững mạnh; đủ khả năng quan sát phát hiện sớm, từ xa.
Theo Bộ Quốc phòng "Việc ban hành Luật Phòng không nhân dân là yêu cầu tất yếu, khách quan và cấp bách; đáp ứng với thực tiễn sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới".