Lộ trình tăng học phí đại học sẽ lùi lại 1 năm
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81 về học phí công lập. Theo đó, lộ trình tăng học phí đại học lùi một năm so với Nghị định 81, giống như đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo đó, mức trần học phí (mức cao nhất được thu) ở các đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học này là 1,2-2,45 triệu đồng/tháng, tùy khối ngành, thay vì mức 1,35-2,76 triệu như nghị định 81. Còn mức thu đang áp dụng là 0,98-1,43 triệu đồng.
Năm học 2023-2024, nhóm ngành nghệ thuật tăng không đáng kể (0,02%), khối ngành Y - Dược tăng mạnh nhất (71,3%). Trần học phí các khối ngành khác tăng dao động 20-30%. Riêng nhóm khoa học sự sống, khoa học tự nhiên, mức tăng là 15,8%.
Với chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc tiêu chuẩn nước ngoài, các đại học được tự xác định học phí.
Nhóm trường tự chủ, tùy mức độ được thu tối đa bằng 2-2,5 lần mức trên, tức khoảng 2,4-6,1 triệu đồng/tháng trong năm học 2023-2024. Sau 5 năm, mức trần này tăng lên 3,4-8,75 triệu đồng/tháng.
Theo Nghị định 81, biên độ tăng rất cao so với năm học trước, học phí đại học công lập sẽ tăng bình quân 45,7%. Đặc biệt, học phí khối ngành Y - Dược tăng 93%, khối Nhân văn-Khoa học xã hội tăng 53%, gây khó khăn cho phụ huynh, người học. Do đó, sau khi bàn thảo Chính phủ thống nhất việc tăng học phí có thể chậm lại một năm so với lộ trình của Nghị định 81.
Đại dịch Covid-19 đã tác động xấu đến tình hình kinh tế, xã hội, Chính phủ yêu cầu giữ nguyên học phí. Vì vậy đã ba năm liên tiếp các trường đại học không tăng học phí. Ở bậc mầm non và phổ thông, các địa phương phải cấp bù kinh phí để hỗ trợ phụ huynh và học sinh.
Đối với bậc mầm non, phổ thông công lập, trần học phí với các trường chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học 2023-2024 sẽ áp dụng mức của năm học 2021-2022 mà HĐND các tỉnh, thành phố đã thông qua.