Bộ Tài chính nói gì về những vụ án mua bán hóa đơn giá trị “khủng”?
Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân dẫn đến tình trạng mua bán hóa đơn vẫn diễn ra là do nhu cầu sử dụng còn nhiều, các đối tượng lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật để trục lợi...
Nhu cầu còn nhiều
Vào tháng 10/2023 vừa qua, Công an TP HCM triệt phá đường dây mua bán hóa đơn khống trị giá hơn 4.000 tỉ đồng. Cơ quan Công an xác định Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang và đồng phạm đã thành lập, sử dụng 41 pháp nhân mua, bán trái phép hơn 34.000 hóa đơn giá trị gia tăng cho hơn 3.200 doanh nghiệp, đơn vị khác nhau trên 52 tỉnh/thành.
Trước đó vào 10/2022, Công an tỉnh Phú Thọ cũng triệt phá đường dây mua bán hóa đơn do Nguyễn Minh Tú cầm đầu. Theo điều tra, Tú và các đồng phạm đã mua 646 công ty, thực hiện mua bán trái phép hơn 1 triệu hóa đơn giá trị gia tăng, với tổng doanh số gần 64.000 tỷ đồng.
Đây là 2 trong số rất nhiều vụ án mua bán trái phép hóa đơn được cơ quan Công an bóc gỡ.
Thông tin về những vụ án mua bán trái phép với giá trị "khủng" này, Bộ Tài chính cho biết, thời gian vừa qua, cơ quan Thuế đã nỗ lực rà soát các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro về sử dụng hoá đơn. Không ít vụ việc đã chuyển sang cơ quan Công an và rất nhiều doanh nghiệp mua bản hoá đơn bất hợp pháp đã bị xử lý hình sự.
Lý giải về tình trạng mua bán trái phép hóa đơn như vấn nạn của các doanh nghiệp hiện nay, Bộ Tài chính cho biết, do một số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vẫn thực hiện mua hoá đơn bất hợp pháp để hợp thức chi phí mua vào hàng hoá dịch vụ trôi nổi trên thị trường và khấu trừ thuế nhằm mục đích trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế từ ngân sách nhà nước.
Thủ đoạn của nhiều đối tượng là thành lập các công ty không nhằm mục đích hoạt động sản xuất kinh doanh mà chỉ để mua bán hoá đơn, thu lợi bất chính. Các đối tượng sử dụng thẻ tín dụng, căn cước công dân hoặc chứng minh thư nhân dân của những người dân thiếu hiểu biết, bị mất hoặc vì vụ lợi để thành lập doanh nghiệp hoạt động trong một thời gian ngắn.
Cũng theo Bộ Tài chính, có một số nguyên chính dẫn đến tình trạng này là do nhu cầu về sử dụng hoá đơn bất hợp pháp để hợp thức chi phí, khẩu trừ, hoàn thuế còn nhiều.
Ngoài ra, các đối tượng lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật trong việc thành lập doanh nghiệp, để đăng ký thành lập doanh nghiệp bằng hình thức điện tử, trong khi các cơ quan quản lý nhà nước đang trong quá trình xây dựng kết nối, đồng bộ dữ liệu thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an) nhằm kiểm soát và xác thực tỉnh chính xác, trung thực, hợp pháp của các giấy tờ có liên quan.
Thêm vào đó, do chưa có quy định của pháp luật và chưa có giải pháp công nghệ để xác định tính xác thực đúng thực tế về danh tính người đại diện pháp luật. Cơ quan đăng ký kinh doanh chưa có quy định chặt chẽ về đối chiếu nhân thân, xác thực nhân thân. Sau khi cấp phép thành lập doanh nghiệp cũng chưa có quy định cụ thể về chế độ kiểm tra hậu kiểm các điều kiện mà doanh nghiệp đăng ký như: vốn, cơ sở vật chất, tài sản cố định, nhân công, ngành nghề có đúng như doanh nghiệp đã đăng ký ban đầu khi khai hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp. Do đó rất khó khăn cho các cơ quan chức năng nói chung, cơ quan Thuế nói riêng trong việc phát hiện các doanh nghiệp thành lập không nhằm mục đích hoạt động sản xuất kinh doanh.
Giải pháp căn cơ
Để chấn chỉnh tình trạng này, Bộ Tài chính cho hay trong thời gian tới Bộ sẽ triển khai một số giải pháp để ngăn chặn.
Theo đó, ngành Thuế đang xây dựng Trung tâm Cơ sở dữ liệu (CSDL) hóa đơn điện tử theo hướng quản lý dữ liệu về hóa đơn điện tử, phân tích rủi ro để áp dụng các biện pháp quản lý phù hợp. Áp dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn (Big data); bước đầu áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào phân tích rủi ro và quản lý hóa đơn, chủ động trong phòng chống gian lận, giả mạo hóa đơn điện tử.
Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện chính sách theo hướng trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định về hóa đơn, chứng từ để có cơ chế chính sách quản lý chặt về hóa đơn điện tử và có quy định cụ thể các biện pháp dừng sử dụng hóa đơn đối với hành vi gian lận về thuế.
Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử, phối hợp với cơ quan công an, các Bộ, ngành liên quan để phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, xử lý nghiêm theo quy định.
Bộ Tài chính cũng sẽ kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi, bổ sung Nghị định về đăng ký kinh doanh, Luật Doanh nghiệp. Sẽ áp dụng quy định Người đại diện pháp luật của doanh nghiệp phải được xác thực CSDL quốc gia về dân cư. Nếu có vi phạm về thuế hoặc là đại diện của doanh nghiệp đã bỏ địa chỉ kinh doanh thì tạm thời chưa cấp Giấy chứng nhận thành lập mới và bổ sung quy định hậu kiểm cấp giấy chứng nhận.