Trao đổi nghiệp vụ

Hậu quả của việc lợi dụng niềm tin để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

PV 08/12/2023 - 08:35

Hiện nay, tình trạng mua hàng trả góp hoặc thuê tài sản rồi sau đó “bùng nợ” hoặc tìm cách chiếm đoạt diễn ra hết sức phức tạp. Những hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Anh L.H.N., chủ một cửa hàng chuyên kinh doanh mặt hàng máy may và dịch vụ xe máy cho thuê tại đường số 15, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM chia sẻ, năm 2020, do tin tưởng khách hàng quen biết lâu năm, anh đã bán cho Đinh Văn Bộ (SN 1990, quê Lạng Sơn) một số máy may công nghiệp bằng hình thức trả góp và còn cho người này thuê một xe máy Honda nhãn hiệu Wave RSX.

Tuy nhiên sau đó, Bộ chuyển nơi ở và cắt đứt liên lạc. Sau thời gian tìm kiếm, cuối cùng anh N. cũng đã tìm được địa chỉ gia đình Bộ ở quê. Thông qua gia đình Bộ, anh N. đã nhiều lần yêu cầu người này thực hiện nghĩa vụ trả nợ và trả lại tài sản nhưng không có kết quả.

Đến khi bị bắt và Tòa án kết tội 18 tháng tù giam vì Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, lúc này Bộ mới ăn năn và hối hận.

Bộ cho biết, khi gia đình khuyên đem máy may và xe máy trả lại sẽ được anh N. bỏ qua và không đưa ra pháp luật nhưng Bộ phớt lờ, lúc hối hận thì đã muộn màng, bản thân đã rơi vào lao lý.

Đây không chỉ là bài học riêng ai, mà là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những người lười lao động, thích lợi dụng lòng tốt cửa người khác để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hay cách đây chưa lâu, Đoàn Minh Kiên (30 tuổi, quê Cà Mau) đã bị công an bắt giữ để điều tra về hành vi lợi dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, nam thanh niên mượn xe máy của bạn ở Vĩnh Long đi công việc rồi bặt vô âm tín. Gần 1 năm sau, người này bị bắt khi đang lẩn trốn theo quyết định truy nã.

luat-hinh-su.jpg
(ảnh minh họa)

Còn liên quan vấn đề mua hàng trả góp rồi “bùng nợ”, một luật sư cho biết, khi khách hàng không trả tiền theo hình thức trả góp, đồng nghĩa với việc quyền lợi của bên bán đang bị xâm phạm. Khi quyền lợi của họ bị xâm phạm thì họ có quyền thực hiện các biện pháp theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi của họ.

Dưới góc độ pháp lý, vị luật sư này cho rằng, nếu người mua (khách hàng) có những dấu hiệu cho thấy việc không trả tiền cho bên bán là lừa đảo hay lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 175 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung bởi khoản 35, Điều 1 Bộ luật Hình sự năm 2017.

Theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trường hợp có hành vi gian dối, có khả năng chi trả tiền vay cho cửa hàng mà cố tình không trả, không thực hiện nghĩa vụ, thì trường hợp này bạn hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, theo điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 144 năm 2021, nếu người vay đến hạn trả góp, có đủ điều kiện nhưng cố tình không trả thì sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng. Đặc biệt, nếu nặng hơn, người vay trả góp có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, nếu một người vay trả góp nhưng dùng thủ đoạn gian dối/bỏ trốn để chiếm đoạt số tiền từ 4 - dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 4 triệu đồng nhưng bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản… chưa được xóa án tích mà còn vi phạm… đến thời hạn trả nợ, dù có điều kiện nhưng cố tình không trả thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm; hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm.

Nếu có các tình tiết tăng nặng hơn thì mức phạt tù cao nhất của người vay sẽ là phạt tù đến 20 năm.

PV