Tin kinh tế

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 619,17 tỷ USD

Trang Nguyễn 03/12/2023 - 21:13

Trong tháng 11, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 60,88 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 11 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 619,17 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa 11 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu 25,83 tỷ USD.

11 tháng xuất siêu gần 26 tỷ USD

Về xuất khẩu hàng hóa, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 11/2023 ước đạt 31,08 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,49 tỷ USD, tăng 13,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 22,59 tỷ USD, tăng 4,4%. Đây là điểm sáng rất tích cực khi mức tăng trưởng của khối doanh nghiệp trong nước tăng cao, gấp 3 lần khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Tính chung 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 322,50 tỷ USD, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu mặc dù vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng mức giảm trong tăng trưởng xuất khẩu đã thu hẹp đáng kể so với mức giảm 11,6% trong 6 tháng đầu năm 2023.

khucontainerlanh2-inazectat-16505077795501100788545.jpeg
Xuất nhập khẩu đã vượt mốc 600 tỷ USD

Sản phẩm nông nghiệp tăng trưởng ấn tượng

Đáng chú ý, các sản phẩm của ngành nông nghiệp tiếp tục có những đóng góp ấn tượng, là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu cả nước.

Trong đó nhiều sản phẩm nông sản tăng cả về giá trị và lượng so với tháng trước như: Gạo đạt 462 triệu USD, tăng 13,5%; cao su đạt 343 triệu USD, tăng 16,6%; cà phê đạt 252 triệu USD, tăng 59,9%... Trong 11 tháng năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu gần 7,8 triệu tấn gạo; 2,7 triệu tấn sắn và sản phẩm của sắn; 1,9 triệu tấn cao su; 1,4 triệu tấn cà phê.

Như vậy, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản trong tháng 11 ước đạt 3 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là nhóm hàng duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng dương trong 11 tháng năm 2023, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 29,5 tỷ USD, tăng 8,6%.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa tháng 11/2023 ước đạt 29,8 tỷ USD, tăng 1% so với tháng trước. Tính chung 11 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 296,67 tỷ USD, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, 11 tháng năm 2023, nhóm hàng tư liệu sản xuất vẫn chiếm đến 93,8% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với xuất khẩu (xuất khẩu giảm 5,9%, nhập khẩu giảm 10,7%) nên cán cân thương mại của Việt Nam trong 11 tháng tiếp tục xuất siêu 25,83 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 10,3 tỷ USD).

Về thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 88 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 99,6 tỷ USD.

Trong 11 tháng năm 2023, xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 75,5 tỷ USD, giảm 14,1% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 26,2 tỷ USD, giảm 11,1%; xuất siêu sang Nhật Bản 1,5 tỷ USD, tăng 127,2%; nhập siêu từ Trung Quốc 43,7 tỷ USD, giảm 23,1%; nhập siêu từ Hàn Quốc 26,3 tỷ USD, giảm 25,4%; nhập siêu từ ASEAN 8,1 tỷ USD, giảm 31,3%.

Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã và đang tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo phổ biến thông tin đến các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng. Đồng thời, đẩy mạnh các thông tin từ các thương vụ về các quy định mới của thị trường nước sở tại liên quan đến xuất nhập khẩu bền vững để kịp thời thông tin đến doanh nghiệp.

Một số thông tin quan trọng từ các thị trường trọng điểm đã được Bộ Công Thương cung cấp cho doanh nghiệp như: Tại thị trường châu Âu, bà Nguyễn Hoàng Thuý, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu chia sẻ, Thỏa thuận Xanh châu Âu là một chính sách mới mà phía châu Âu đặt ra để đạt được sự trung lập về khí hậu.

Một số chính sách/chiến lược có thể nhìn thấy ngay việc ảnh hưởng đến xuất khẩu sang EU là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), Chiến lược từ Trang trại đến bàn ăn (Farm to Fork), Kế hoạch Hành động kinh tế tuần hoàn, hay là Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030.

Theo đó, tháng 12/2022, EU thông báo thực hiện CBAM. EU sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu được nhập khẩu vào thị trường này, dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất ở nước sở tại. CBAM ban đầu sẽ áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ gây ô nhiễm cao như xi măng, thép, phân bón, nhôm, điện và hydro, là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của châu Âu. Cơ chế sẽ được giới thiệu dần dần cho đến cuối năm 2025 và sau đó sẽ được áp dụng đầy đủ vào năm 2026.

Hoặc với thị trường Canada, bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada chia sẻ, từ năm 2015, Canada đã đưa mục tiêu sản xuất và tiêu dùng trách nhiệm vào lộ trình phát triẻn bền vững nhằm sản xuất sử dụng ít tài nguyên hơn, nâng cao chất lượng sống của người dân. Ngoài chính sách khuyến khích xe điện và các phương tiện không phát thải, Canada khuyến khích tái sản xuất, tái tân trang, tái chế và tái sử dụng. Từ chính phủ đến người dân đều phải có trách nhiệm giảm cacbon trong các quy định tiêu dùng.

Các doanh nghiệp Canada cũng có xu hướng thay thế các sản phẩm cùng loại nhập từ xa bằng cách tìm các nguồn cung từ các thị trường gần. Đồng thời, chú trọng tìm kiếm các đối tác nhập khẩu có cùng mối quan tâm, cùng năng lực với mình. Ví dụ da giày, dệt may, nội thất đều phải quan tâm sản xuất xanh, sản xuất sạch, sử dụng vật liệu tái chế…

Quy định của Canada đi đầu trong các nước G7, OECD trong việc áp đặt trách nhiệm mở rộng không chỉ với các bên tham gia thiết kế, sở hữu thương hiệu mà còn áp đặt nhà bán buôn và phân phối. Nếu không tìm được nhà bán buôn và phân phối thì sẽ áp đặt đến nhà bán lẻ cuối cùng. Trách nhiệm nhà sản xuất mở rộng buộc các nhà nhập khẩu phải có trách nhiệm với việc thu hồi, quản lý sản phẩm nhựa ở cuối vòng đời sản phẩm như: Trả tiền đặt cọc bao bì, thu đổi sản phẩm, lắp đặt điểm thu nhận bao bì…

"Các quy định này có thể nói là rào cản phi thuế quan rất bất lợi cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên là yêu cầu bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn duy trì xuất khẩu vào thị trường này", bà Quỳnh cho hay.

Bên cạnh việc tăng cường thông tin, Bộ Công Thương cũng sẽ đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, trong đó có hoàn tất đưa vào thực thi Hiệp định FTA với Israel, ký kết các Hiệp định FTA, Hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR…) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.

Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các Hiệp định.

Trang Nguyễn